Du lịch châu Á chuyển hướng phụ thuộc thị trường khách Trung Quốc

N.T (Báo Nhân dân)

Việc các quốc gia châu Á dần nới lỏng các quy định hạn chế, từng bước đón du khách quốc tế trở lại đang giúp làm dịu khó khăn cho các nhà điều hành du lịch vốn đang chịu tác động nặng nề của đại dịch. Cùng với đó, du lịch châu Á đang tìm kiếm các thị trường khác để thay thế Trung Quốc khi nước này vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới để ngăn chặn COVID-19.

Bãi biển Phuket đón du khách quốc tế trở lại (Ảnh: REUTERS)
Bãi biển Phuket đón du khách quốc tế trở lại (Ảnh: REUTERS)

Lỗ hổng nguồn thu  

Trung Quốc, thị trường khách outbound (du lịch nước ngoài) lớn nhất thế giới, vẫn duy trì công suất hàng không quốc tế chỉ ở mức 2% trước đại dịch và vẫn chưa nới lỏng các hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Điều này đã tạo ra một lỗ hổng trong thị trường du lịch toàn cầu trị giá 255 tỷ USD.

Dựa trên các dữ liệu từ Bộ Du lịch Thái Lan, đại dịch COVID-19 đã khiến du lịch Thái Lan “bốc hơi” khoảng 50 tỷ USD tổng thu nhập từ du lịch mỗi năm và du khách Trung Quốc luôn là những người chi tiêu hơn mức trung bình.

Nhiều chuyên gia dự báo, Trung Quốc sẽ giữ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như cách ly 3 tuần với những người trở về nước từ nước ngoài cho đến ít nhất là quý II năm sau và có khả năng mở cửa dần theo từng nước.

Ngay cả khi nếu Trung Quốc mở lại các đường biên, các khảo sát cho thấy nhiều người vẫn chưa sẵn sàng đi du lịch quốc tế do lo ngại COVID-19.

Bên cạnh đó, du lịch nội địa tới đảo Hải Nam cũng đang bùng nổ nhờ dịch vụ hàng miễn thuế. Điều này đang đe dọa tới tương lai du lịch của nhiều điểm đến gần đó như Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

“Thực lòng mà nói, tôi không có nhiều hứng thú lắm với du lịch quốc tế. Nhiều nơi mà tôi muốn tới thăm là những quốc gia chưa phát triển có nhiều cảnh đẹp tự nhiên và những nước này thường có mức độ tiêm chủng thấp”, cô Kat Qi, 29 tuổi, một nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh, cho biết đã từng du lịch tới Đông Nam Á và Anh trước đại dịch.

Phong cảnh tự nhiên mà cô đề cập tới cũng là xu hướng đang nổi lên trong các cuộc khảo sát với du khách Trung Quốc. Nhiều chuyên gia trong ngành cho hay, các du khách Trung Quốc yêu thích các hoạt động ngoài trời vào thời điểm kỳ nghỉ cắm trại nội địa đang trở nên phổ biến và các công ty điều hành du lịch sẽ cần phải thích ứng theo xu hướng này.

Ông Wolfgang Georg Arlt, CEO của Viện nghiên cứu Du lịch Outbound Trung Quốc, nhận định: “Thị trường khách Trung Quốc sẽ thay đổi vì người Trung Quốc đi du lịch trong năm 2022 sẽ khác so với năm 2019. Tôi nghĩ các xu hướng đi du lịch mua sắm và đổ xô thăm quan sẽ biến mất”.

Công ty dữ liệu lữ hành ForwardKeys ước tính, phải đến 2025, du lịch ra nước ngoài (outbound) của thị trường Trung Quốc mới phục hồi về mức trước đại dịch. Điều này sẽ buộc các hãng hàng không phải định lại các tuyến bay dù các dữ liệu của họ cho thấy 38% du khách Trung Quốc sử dụng các hãng bay nước ngoài trong năm 2019.

Thậm chí khi Singapore, Thái Lan và Bali (Indonesia) dần đón du khách quốc tế trở lại, hãng hàng không Thai Airways (THAI.BK) và hãng hàng không Garuda Indonesia (GIAA.JK) vẫn phải giảm đáng kể đội bay như một phần của các kế hoạch tái cấu trúc trong bối cảnh không có du khách Trung Quốc.

Lấp đầy khoảng trống

Sự thiếu vắng du khách đến từ thị trường tiềm năng là Trung Quốc khiến các công ty du lịch như Laguna Phuket của Thái Lan đang nỗ lực chuyển hướng và lấp đầy khoảng trống.

Giám đốc điều hành Ravi Chandran cho biết, 5 khu nghỉ dưỡng của Laguna Phuket đã chuyển tập trung thị trường sang châu Âu, Mỹ và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất để lấp đầy khoảng trống do du khách Trung Quốc tạo ra, vốn chiếm khoảng 25%-30% mức trước đại dịch.

Thái Lan kỳ vọng sẽ đón được 180 nghìn khách quốc tế trong năm nay, thấp hơn nhiều mức 40 triệu khách trong năm 2019 khi nước này đã mở cửa nhiều điểm đến khác ngoài Phuket cho khách quốc tế từ tuần trước.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Lữ hành châu Á Thái Bình Dương (PATA) Liz Ortuguera nói: “Các điểm đến phải tìm ra các thị trường nguồn mới và học cách tiếp thị cũng như phục vụ các nền văn hóa khác nhau”. Đồng thời bà dẫn chứng Maldives là một thí dụ hiếm hoi về việc thí điểm chuyển hướng thành công trong đại dịch.

Đảo quốc Ấn Độ Dương này đã tự quảng bá mạnh mẽ tại các hội chợ thương mại và đã thu hút thêm nhiều du khách từ Ấn Độ và Nga tới các khu nghỉ dưỡng xa xỉ và các vùng nước pha lê của mình.

Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường cung cấp du khách lớn nhất cho Maldives. Nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng du khách quốc tế tới Maldives chỉ giảm 12% so với năm 2019 dù không có khách Trung Quốc.

“Khi chúng tôi nhận ra rằng du khách Trung Quốc sẽ không thể tới Maldives sớm hơn, chúng tôi đã chuyển trọng tâm sang các thị trường chính khác, trong đó có Nga”, người phát ngôn của chuỗi khách sạn và nghỉ dưỡng COMO tại Maldives cho biết.

Theo số liệu của Bộ Du lịch Maldives, trong nửa đầu năm 2021, chỉ có 738 du khách Trung Quốc đến nghỉ dưỡng, giảm gần như 97% so với con số 33.889 của cùng kỳ năm 2020.

Nga đã nổi lên là một trong những nguồn khách du lịch hàng đầu trong nửa đầu năm 2021 của quốc gia này khi có tới 124.651 khách, tăng 190% so với năm 2019. Trong khi đó, Ấn Độ là thị trường khách lớn nhất của Maldives khi có tới 204.530 trong tổng số 870.862 du khách tới đảo quốc này 9 tháng đầu năm 2021.  

Bằng cách giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống, chuyển hướng đa dạng các thị trường tiềm năng, ngày 29/10, Maldives đã đón du khách thứ 1 triệu. Nước này đang kỳ vọng, đến hết năm nay sẽ đón được 1,2 triệu du khách quốc tế, giúp hồi sinh nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào du lịch bất chấp sự tàn phá của đại dịch.