G7 thành G6 + 1?

Theo Quốc Đạt/daibieunhandan.vn

Lần đầu tiên, Hội nghị Thượng đỉnh G7 có nguy cơ trở thành G6 + 1 sau khi Mỹ quyết định áp dụng các biện pháp bảo hộ bằng thuế quan nhằm vào chính đồng minh của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nội dung khó lường

Diễn ra ngày 8 - 9/6 tại Quebec, Canada, Hội nghị Thượng đỉnh G7 dự kiến tập trung vào những chủ đề mà Thủ tướng nước chủ nhà Trudeau đề ra, bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; thúc đẩy bình đẳng giới, an ninh, khí hậu, năng lượng sạch, thương mại và việc làm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và đồng minh đang leo thang, nhiều khả năng chủ đề chính của Hội nghị năm nay sẽ bị các thành viên gạt bỏ để tập trung vào chính sách bảo hộ cũng như quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ.

Hôm 6/6, Iran tuyên bố đang tiến hành “công việc chuẩn bị” để khởi động lại hoạt động hạt nhân trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân ký kết với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đổ vỡ.

Công việc chuẩn bị ở đây được hiểu là các bước nhằm tăng năng lực làm giàu urani thông qua sản xuất máy ly tâm mới. Iran cũng thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) kế hoạch khởi động lại cơ sở chuyển đổi urani tại thành phố Isfahan nhằm sản xuất nguyên liệu UF6 cho máy ly tâm.

Trong bối cảnh Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi JCPOA, người Iran đang đối mặt khả năng lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ có thể bị áp đặt trở lại, cố tình gây sức ép đến những đối tác khác. Tuyên bố trên được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị G7 sẽ đặt các nước EU trong tình trạng “trên đe dưới búa”, giữa nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump khá cương quyết và khó lường với một nước Cộng hòa Hồi giáo cũng không dễ đầu hàng.

Mỹ bị cô lập

Quyết định tăng 25% thuế với thép và 10% thuế với nhôm của Tổng thống Mỹ tuần trước nhằm vào những đối tác thương mại lớn của nước này, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và Nhật Bản, đã gây ra làn sóng phẫn nỗ chưa từng có. Ngay sau quyết định áp thuế của Nhà Trắng, Canada, quốc gia xuất khẩu thép số một sang Mỹ, đã tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa lên hàng hóa xuất khẩu trị giá 13 tỷ USD.

Canada đồng thời quyết định kiện Mỹ lên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Căng thẳng này báo hiệu ngày họp đầu tiên của G7 về kinh tế có nguy cơ biến thành cuộc khẩu chiến thương mại nảy lửa và khả năng Tổng thống Trump sẽ đơn độc trong cuộc chiến này. “Đó có thể sẽ trở thành Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông Trump và 6 nước còn lại”, một số quan chức châu Âu nhận định.

Điều này đã được dự báo nếu nhìn vào không khí cuộc gặp đầy chia rẽ của các quan chức tài chính G7 diễn ra trước đó một tuần tại tại Whistler, bang British Columbia, Canada, cuộc họp mà Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire chua chát là “G6 +1 bởi Mỹ một mình chống lại tất cả”.

Thậm chí ngay sau cuộc họp, 6 thành viên còn lại của G7 đưa ra tuyên bố yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin truyền đạt “sự lo ngại và thất vọng nhất quán của nhóm G6” tới ông chủ Nhà Trắng về quyết định áp mức thuế mới đối với thép và nhôm.

“Chúng tôi lo ngại rằng những hành động như vậy không giúp ích gì cho nền kinh tế của chúng tôi, mà thực ra đang phá hoại, và cả sáu quốc gia đều nhất quán quan điểm này gửi tới Bộ trưởng Mnuchin” - Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau nói trong cuộc họp báo sau khi cuộc họp các bộ trưởng tài chính G7 kết thúc hôm 1/6.

Tuyên bố trên, do Canada soạn thảo, cũng kêu gọi các nước hành động quyết đoán để giải quyết tranh chấp thuế quan tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này.

Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau nói: “Chúng tôi cho rằng Mỹ đã quyết định hành động hoàn toàn không mang tính xây dựng. Hành động này thực tế hủy hoại năng lực giải quyết các vấn đề của chúng tôi”.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, việc Washington áp mức thuế mới với nhôm và thép EU là “không chấp nhận được về mặt pháp lý, không công bằng về chính trị và nguy hiểm về mặt kinh tế”.

Còn Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nhận định: “Tôi đã tham dự các cuộc họp này nhiều lần. Nhưng đây là lần rất hiếm thấy khi sự chống đối Mỹ lại thống nhất cao tới mức này”.

Trong khi đó, mặc dù thừa nhận không nằm trong sự đồng thuận thương mại của 6 quốc gia còn lại trong G7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin cũng bác bỏ bình luận từ một số quan chức G7 rằng Mỹ đang phá vỡ luật lệ thương mại quốc tế bằng thuế quan và từ bỏ vị trí lãnh đạo hệ thống thương mại và kinh tế toàn cầu mà nước này đã dày công xây dựng sau Thế chiến II.

“Tôi không nghĩ rằng Mỹ đang từ bỏ vị trí lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Ngược lại, chúng tôi đang nỗ lực lớn trong cải cách thuế ở Mỹ - điều vốn có tác động không thể tin được lên nền kinh tế của chúng tôi” - ông Mnuchin nói. Với sự cứng rắn đó của Mỹ, khó có thể hy vọng, một ngày của Hội nghị G7 sẽ giúp giải quyết được vấn đề.

Có lẽ Hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ là thách thức lớn nhất đối với G7 từ trước đến nay, đó là duy trì tình đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Các quan chức EU thừa nhận khối “kỳ vọng rất thấp dành cho Thượng đỉnh G7” năm nay và không tin vào kết quả đột phá trong vấn đề thuế quan.

Thủ tướng Canada Trudeau dự kiến sẽ có buổi họp trực tiếp với từng lãnh đạo các nước tham gia. Tuy nhiên, đại diện của ông Trudeau cũng né tránh trả lời câu hỏi về tương lai của bản tuyên bố chung. Nếu kịch bản xấu xảy ra, G7 có thể sẽ tiếp tục hoạt động trên danh nghĩa đồng minh, nhưng lợi ích nhóm sẽ bị suy giảm.