Năm 2014: Kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sau hơn ba mươi năm tăng trưởng trên 10%, điều chưa từng thấy trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, năm 2014, theo các dự báo lạc quan nhất, Trung Quốc chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 6,9%, thấp hơn năm 2013 gần một điểm. Việc giảm nhịp độ kết hợp với sự vươn lên của nhiều nền kinh tế khác tại Châu Á sẽ ảnh hưởng đến vai trò đầu tàu của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới.

Năm 2014 Trung Quốc sẽ có những bước đi mới trên còn đường cải cách. Nguồn: internet
Năm 2014 Trung Quốc sẽ có những bước đi mới trên còn đường cải cách. Nguồn: internet
Nền kinh tế đứng thứ hai thế giới ngốn gần một nửa tổng nguồn nguyên liệu toàn cầu, đang đi vào giai đoạn tiêu hóa. Điều này gây ra những hậu quả tức thời đối với các nước cung ứng nguyên liệu tại châu Á - Thái Bình dương như Australia, Indonesia hay Việt Nam.

Ảnh hưởng đối với châu Á

Các nước đang trỗi dậy ở châu Á bị ảnh hưởng với tư cách là đối tác thương mại, nhưng tăng trưởng của các nước đó ít chịu tác động. Ví dụ Hàn Quốc, xuất khẩu của nước này đang phát triển rất mạnh nhờ vào sự phục hồi kinh tế của Mỹ. Tăng trưởng của Malaysia, Indonesia, Ấn Độ sẽ năng động hơn trong năm 2014. Nhìn chung, các nước châu Á đang trỗi dậy hy vọng đạt tăng trưởng 6%. Tỷ lệ này cao hơn hẳn so với các nền kinh tế phát triển. Trong lúc Trung Quốc đang giảm nhịp độ thì các con rồng châu Á lại thức tỉnh. Việc tái cân bằng sức mạnh kinh tế giữa các nước đang trỗi dậy tại châu Á đang xẩy ra.

Tuy nhiên, cần thận trọng khi xem xét việc giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Về mặt giá trị, với tốc độ tăng trưởng 10% trong năm 2005, tổng sản phẩm quốc nội (PIB) của Trung Quốc là 200 tỷ USD. Trong năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng bị giảm xuống chỉ còn là 7,6%, nhưng PIB lại là 620 tỷ USD, gấp ba lần so với năm 2005.

Giảm tốc miễn cưỡng hay có chủ đích?

Trái ngược với tất cả những dự báo lạc quan về Trung Quốc, như tăng trưởng thế giới sẽ tăng mạnh, với một bên là các nước phương Tây đang đi xuống và bên kia là Trung Quốc vẫn luôn luôn năng động, thực ra, Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng của khủng hoảng.

Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã nhận ra được những điểm mong manh của nền kinh tế quốc gia. Họ đã đầu tư nhiều để tái thúc đẩy kinh tế và giờ đây, họ tìm cách biến đổi bộ máy sản xuất theo hướng thỏa mãn các nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc, để bảo đảm một sự phát triển bền vững, ít phụ thuộc vào những biến động bên ngoài, cho dù có phải trả giá qua việc thay đổi tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này đòi hỏi phải có những thay đổi to lớn mà Trung Quốc vẫn chưa tiến hành được. Một bên là cần phải lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và bên kia là phải giảm nợ, bởi vì Trung Quốc ngày càng sống nhờ vào tín dụng.

Sự đình trệ cải cách giải thích phần nào việc giảm tăng trưởng và nhất là ngày càng làm tăng thêm những nghi ngại về hiện tượng đặc thù của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Hội nghị Bộ Chính trị cuối cùng của năm 2013 diễn ra ngày 30/12, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã được chỉ định giữ chức Trưởng Tiểu ban chỉ đạo Trung ương về thúc đẩy cải cách sâu sắc toàn diện, một trong hai cơ quan siêu quyền lực, được thành lập tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ rõ, năm 2014 Trung Quốc sẽ có những bước đi mới trên còn đường cải cách. Đáng lưu ý là lãnh đạo Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách trên các lĩnh vực và ngành nghề then chốt, theo đó chuyển đổi chức năng của Chính phủ, mở rộng phạm vi thí điểm thu thuế kinh doanh sang thu thuế giá trị gia tăng, thực thi chế độ thuế có lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nới lỏng kiểm soát lãi suất cho vay của tổ chức tài chính, cải cách chế độ phát hành cổ phiếu mới… 2013 được coi là “năm đầu của cải cách”.

Biện pháp được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 chắc chắn sẽ có vai trò quyết định đối với sự phát triển của Trung Quốc. Có thể nói sự mặc dù giảm tốc trong năm 2014, nhưng điều này nằm trong sự tính toán của các nhà lãnh đạo.