Mỹ lên kế hoạch tăng thuế đối với nhôm và thép:

Nguy cơ cuộc chiến thương mại

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Những ngày qua, thế giới đã phải chứng kiến “lời qua tiếng lại” giữa Mỹ và các đối tác thương mại xoay quanh kế hoạch tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép và nhôm. Điều này có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại không chỉ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương mà cả đối tác của Mỹ tại các châu lục khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lơ lửng bảo hộ

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vừa có một động thái nhằm bảo hộ lĩnh vực công nghiệp của nước này khi tuyên bố sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, trong đó với sản phẩm thép sẽ là 25% và nhôm là 10%. Ngoài ra, ông Trump cũng cam kết xây dựng lại ngành sản xuất thép và nhôm ở Mỹ mà ông cho là đã phải chịu sự đối xử “đáng xấu hổ” từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Donald Trump nói rằng hành động này là nhằm giải quyết “hiện tượng” gian lận trên thị trường. “Chúng ta sẽ khiến các công ty hoạt động tích cực hơn. Nếu có thể đưa ngành thép của Mỹ vĩ đại trở lại, chúng ta sẽ vô cùng hài lòng. Tôi cho rằng điều này là có thể”.

Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, tình trạng dư thừa toàn cầu trong ngành nhôm, thép đang đe dọa an ninh quốc gia Mỹ và đề xuất lên Nhà Trắng một loạt lựa chọn, bao gồm áp đặt hạn ngạch, thuế quan với từng nước cụ thể hay mức thuế chung với tất cả các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu. Đề xuất của ông Trump gần như tương đồng nhất với lựa chọn cuối cùng.

Thực tế lâu nay, các công ty thép và nhôm của Mỹ không ngừng phàn nàn về việc phải đương đầu với các biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh của nhiều đối thủ nước ngoài. Sự cạnh tranh không công bằng như vậy sẽ khiến thị trường thế giới tràn ngập sản phẩm kim loại, giá cả hạ gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ.

Bằng nhiều cách khác nhau, các quan chức thương mại Mỹ thời gian qua đã tìm cách sửa luật theo hướng có lợi hơn cho các công ty trong nước. Ví dụ như chính quyền của Tổng thống George Bush năm 2002 đã áp thuế thép lên đến 30%, thế nhưng phạm vi áp dụng khi đó hẹp hơn nhiều.

Còn tại thời điểm hiện nay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng, hoạt động sản xuất kim loại nội địa Mỹ đang chịu nhiều thiệt hại và quốc gia này dễ bị tổn thương trong bối cảnh có xung đột ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại. Do đó, việc áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm được cho là phù hợp nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài.

Lợi bất cập hại

Hiện chưa rõ tác động của quyết định tăng thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu ra sao, nhưng ngay sau công bố của Tổng thống Donald Trump, thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt lao dốc trong 3 phiên liên tiếp.

Đối với nước Mỹ, được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách tăng thuế trên chính là các công ty trong lĩnh vực nhôm và thép. Thế nhưng, những ngành sản xuất sử dụng nhôm, thép là nguyên liệu đầu vào cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi chi phí sản xuất tăng cao. Có thể kể đến một loạt ngành rất quan trọng như sản xuất ô tô, công nghiệp hàng không, sản xuất thiết bị và xây dựng, năng lượng...

Hậu quả là người lao động làm việc trong những lĩnh vực này có thể bị mất việc do chi phí tăng trong khi doanh thu giảm. Do đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc áp đặt thuế quan sẽ không bảo vệ được việc làm của Mỹ mà chỉ làm tăng giá hàng hóa và đối tượng chịu thiệt thòi là người tiêu dùng.

Trong khi đó, đối với các đối tác thương mại của Mỹ, đặc biệt là các nước châu Âu, thiệt hại từ chính sách tăng thuế trên không hề nhỏ. EU đã lên chi tiết kế hoạch 3 bước để khiến hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ tổn thất 3,5 tỷ USD - tương đương giá trị nhôm và thép của châu Âu mà khối này ước tính bị thiệt hại do các khoản thuế quan mới. Khối này đề xuất đánh thuế hàng xuất khẩu của Mỹ, gồm rượu ngô, quần bò, gạo, nước cam và xe máy.

Giới quan sát nhận định kiểu chiến lược “ăn miếng trả miếng” của chính quyền Mỹ hiện nay làm mất đi hình ảnh lớn hơn của nước này trong các mối quan hệ thương mại và làm gia tăng nỗi lo sợ về một cuộc chiến thương mại toàn cầu khi các nước đồng loạt áp dụng biện pháp trả đũa bằng những mức thuế hay công cụ trừng phạt tương tự. Theo Manuel Perez-Rocha, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chính sách Mỹ, ông Trump đã thật sự “tuyên chiến” bằng cách kêu gọi đánh thuế lên thép và nhôm nhập khẩu.

“Một cuộc chiến thương mại đầy đủ là nguy hiểm cho cả hai phía. Các công ty xuất khẩu của Mỹ, từ máy bay cho tới các sản phẩm đóng hộp, cũng có thể bị thiệt hại nặng nề”. Theo nhà phân tích này, các đối tác thương mại chính của Mỹ, gồm Canada, EU, Mexico, Nhật Bản, Trung Quốc và Brazil, đều nói rằng họ đang cân nhắc biện pháp trả đũa đối với các mức thuế mới “cao chót vót” này.

Tránh một cuộc chiến thương mại nghĩa là “xử lý sự mất cân bằng hay thay đổi trong thương mại theo hướng đa phương, chứ không phải đơn phương và đột ngột như cách ông Trump đã làm. Thay vì cố gắng “hạ gục” các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc, sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ nên được dựa trên việc cố gắng làm hài hòa các lợi ích”, ông Perez-Rocha nói thêm.