Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không thể tiến hành lẻ tẻ

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo mục tiêu đã đề ra, đến 2015 sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, quá trình cổ phần hóa, cũng như tái cơ cấu DNNN phải nhìn trên bình diện tổng thể, để có lộ trình thực thi tương đối đồng bộ, không nên làm lẻ tẻ từng DN.

Quá trình cổ phần hóa DNNN đã bị chững lại từ năm 2006. Thưa ông, tình trạng này có nguyên nhân từ đâu?

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không thể tiến hành lẻ tẻ - Ảnh 1
TS. Trần Du Lịch
Tình trạng này có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là, dường như chưa thống nhất nhận thức về vai trò của Nhà nước và vai trò của kinh tế Nhà nước. Trong vai trò của kinh tế Nhà nước có vai trò của DNNN. Thứ hai là, trước năm 2000, chúng ta không tính giá đất trong quá trình cổ phần hóa nên bị thất thoát lớn cho Nhà nước. Sau đó, chúng ta sửa sai bằng cách định giá đất theo giá thị trường. Nhưng nhiều lúc thị trường bong bóng, đưa giá quá cao, không ai mua, nên quá trình cổ phần hóa bị ngưng trệ. Tất nhiên, từ năm 2006 - 2010, khủng hoảng tài chính thế giới cũng ảnh hưởng đến cổ phần hóa DNNN. Thứ ba là, có lợi ích cục bộ của các ngành. Theo quy định, DNNN phải hoạt động ngành chính, nhưng có thể kinh doanh một số lĩnh vực khác. Doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này để kinh doanh đa ngành, đổ vốn vào bất động sản, chứng khoán. Trong những năm gần đây, do bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, nên nhiều đơn vị đã bị thua lỗ, mất vốn. Điều này buộc chúng ta phải khắc phục lại, tức là thoái vốn. Lần này Chính phủ sẽ quyết tâm xử lý các nút thắt này.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN. Ông bình luận như thế nào về quyết tâm này?

Các nguyên nhân tôi vừa nêu là góc nhìn cá nhân, có thể có những góc nhìn theo cách khác. Nhưng dù theo cách nào thì tôi tin mọi cấp đã nhìn nhận được. Quyết tâm của Chính phủ được thể hiện ngay từ đầu năm. Một số bộ, ngành đã có quyết tâm mạnh mẽ. Trong đó, Bộ Giao thông – Vận tải đã quyết liệt đến mức sẽ cách chức chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc doanh nghiệp chậm cổ phần hóa. Như vậy, thời hạn Nghị quyết Trung ương 3 giao nhiệm vụ tái cơ cấu tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đến năm 2015 sẽ làm được.

Một số tập đoàn khó khăn do không dám thoái vốn dưới giá sổ sách. Gần đây Bộ Tài chính cho biết đã đủ cơ chế bán vốn với giá thị trường cao nhất. Điều này có giúp thoái vốn nhanh?

Trước đây, quá trình cổ phần hóa vướng bởi yêu cầu doanh nghiệp phải bảo toàn vốn khi thoái vốn. Nếu đầu tư thoái vốn theo thị trường có thể bị lỗ, không bảo toàn được vốn. Điều này đã tạo vòng kim cô gây khó cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp được đưa ra để tham gia kinh doanh trên thị trường, nhưng lại không tuân thủ nguyên lý của thị trường, mà lúc nào cũng muốn năm sau lãi hơn năm trước, bảo toàn, phát triển vốn. Nhìn tổng thể thì có hiệu quả, nhưng nhìn vào từng trường hợp cá biệt thì sẽ thấy có nơi lãi, có nơi lỗ. Như thế mới theo được thị trường. Vừa rồi, Bộ Tài chính đã có quy định chấp nhận thoái vốn theo thị trường là một bước tiến. Trước đây góp vốn vào doanh nghiệp này 100 đồng, nay thị trường định giá còn 60 đồng, thì chúng ta phải chấp nhận 60 đồng, chứ cứ bắt buộc phải nhận đủ 100 đồng thì không ai thoái vốn được. Các cơ chế này đều thuộc thẩm quyền Chính phủ, không phải Quốc hội. Hiện nay quản lý điều hành DNNN là Chính phủ và các bộ, ngành. 

Nhưng thưa ông, nếu bán theo thị trường mà dưới giá sổ sách thì sẽ gây mất vốn Nhà nước? 

Nếu cứ đặt vấn đề mất và được thì không thể thoái vốn được. Phải nhìn nhận ở chỗ mất chỗ này, nhưng được ở chỗ khác. Ngay cả tư nhân kinh doanh, có những lúc họ phải bán giá thấp để cắt lỗ. Lúc này phải nhìn vào thực tế để thực thi. Nếu cứ nghĩ về quá khứ, thì không dám cắt, và có thể gây lỗ thêm, thiệt hại lớn hơn cho doanh nghiệp và Nhà nước. 

Theo đại diện của Bộ Tài chính, hành lang pháp lý đã hoàn thiện cho phép thoái vốn, phát hành cổ phiếu; thị trường chứng khoán thì đang khởi sắc hơn. Việc hoàn thành tái cơ cấu hay không phụ thuộc người đứng đầu doanh nghiệp. Ông bình luận gì về cách đánh giá này?

Người đứng đầu cực kỳ quan trọng. Tôi đã tham gia làm về cổ phần hóa cả chục năm trước với doanh nghiệp, nên thấy, tổng giám đốc muốn cổ phần hóa, thì dù khó khăn vẫn vượt qua được. Tuy nhiên, mặt chính sách và cơ chế phải minh bạch. Ví dụ khi cổ phần hóa, không nên làm từ doanh nghiệp con, mà cổ phần hóa từ quy mô tổng công ty. Nói cách khác là thuê tư vấn định giá độc lập, sau đó quyết định chuyển nhượng bao nhiêu % vốn cho đối tác chiến lược, còn lại IPO trên thị trường, để bán và thay đổi cơ cấu sở hữu. Rồi chúng ta sử dụng vốn này để đầu tư vào lĩnh vực Nhà nước cần phải đầu tư, sau đó thì đầu tư vào phúc lợi, y tế, giao thông… Như thế mới nâng cao hiệu quả nguồn lực của Nhà nước.

Có ý kiến cho rằng, khi tái cơ cấu DNNN thì đồng thời phải chuyển toàn bộ hệ thống giá sang giá thị trường. Vì hiện nhiều mặt hàng như năng lượng, đất đai, lãi suất và cả tiền lương chưa theo thị trường. Theo ông, các rào cản này tác động cản trở thế nào đến tái cơ cấu DNNN?

Hiện nay, chỉ có một vấn đề là giá đất. Bởi khi cổ phần hóa thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục thuê đất của Nhà nước, nhưng lại không đưa vào giá vốn chủ sở hữu. Việc không đưa giá đất vào giá trị doanh nghiệp buộc các cơ quan chức năng phải tính hai việc. Thứ nhất, phải có lộ trình điều chỉnh giá thuê, trên mặt bằng thị trường. Thứ hai, trong một số trường hợp phải tính thương quyền, tức quyền được thuê, để tính vào giá trị doanh nghiệp. Việc này nên thuê các nhà định giá tư vấn độc lập họ định và đề xuất. Nếu làm như vậy sẽ tháo gỡ về kỹ thuật. Ngoài ra, khi đã trở thành công ty cổ phần, thì Nhà nước không cần nắm giữ 51%, vì như thế bản chất vẫn là DNNN. Như thế mới là công ty cổ phần và trong tương lai mới là công ty công cộng. Còn những loại giá khác đều theo thị trường được.

Hiện nay, hoạt động của nhiều DNNN chưa được thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp. Người điều hành không phải thiếu có trình độ quản lý, mà thiếu cơ chế thực hiện, thưa ông?

Đúng như vậy. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có DNNN. Theo đó, chủ doanh nghiệp sẽ là Nhà nước, chứ không phải là chủ tịch hội đồng quản trị hay tổng giám đốc. Song mô hình này cũng có tình trạng là, nếu Nhà nước quản quá chặt chẽ thì doanh nghiệp không hoạt động được, không cạnh tranh được. Còn lỏng lẻo thì sẽ phát sinh tiêu cực. Bởi vậy, cổ phần hóa phải xử lý vấn đề này. Nên về nguyên tắc, Nhà nước không nên kinh doanh kiếm lời. Còn nếu Nhà nước kinh doanh kiếm lời thì rất khó.

Vậy giải pháp nào là quan trọng nhất để tái cơ cấu DNNN?

Quan trọng nhất là nhận thức về vị trí vai trò của doanh nghiệp phải thống nhất, để xem Nhà nước nắm chỗ nào, không nắm chỗ nào. Thứ hai là, vấn đề kỹ thuật, đó là giá đất, rồi thoái vốn theo thị trường, cũng phải thống nhất quan điểm. Thứ ba là, dù có đề án tái cấu trúc đối với từng đơn vị, thì cũng phải nhìn trên bình diện tổng thể, để có lộ trình thực thi tương đối đồng bộ, không nên làm lẻ tẻ từng doanh nghiệp. Ví dụ hai năm tới, đưa ra thị trường bao nhiêu, tính quy mô thị trường bao nhiêu. Còn không khéo, DNNN lại cạnh tranh với nhau.

Xin cám ơn ông!