Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước: Làm gì để đạt mục tiêu?
Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, DNNN vẫn chưa đảm đương được vai trò cũng như vị trí được kỳ vọng, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tình trạng thua lỗ, thất thoát vẫn chưa được ngăn chặn... Vậy đâu là vấn đề cần tiếp tục làm để việc cổ phần hóa đi vào thực chất hơn.
Theo Báo cáo “Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN 2016 - 2020: Thực chất và hiệu quả” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố thì quá trình cơ cấu lại DNNN đang diễn ra chậm với chất lượng thấp.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 5/2017, đã có 65 DNNN, 5 đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hóa, công bố giá trị 38 doanh nghiệp (nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa) và đang xác định giá trị 107 doanh nghiệp.
Tình hình cổ phần hóa từ năm 2016 đến nay diễn ra chậm, chất lượng chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện. Việc bán cổ phần nhà nước tiếp tục gặp khó khăn. Nguyên nhân chính được chỉ ra là chính sách bán cổ phần chưa thay đổi, rất nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn nên không thu hút được cổ đông bên ngoài và tái cơ cấu sở hữu.
Cũng theo CIEM, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước phá sản được 8 DNNN thua lỗ thì từ năm 2016 đến nay chỉ phá sản được 1 doanh nghiệp. Số lượng này quá ít so với toàn bộ DNNN thua lỗ, cần phải phá sản.
Theo TS. Trịnh Đức Chiều, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nguyên nhân của việc chậm cổ phần hóa là do đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.
Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, cơ cấu lại và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Thời điểm phê duyệt Đề án cơ cấu lại của một số bộ, địa phương tại một số đơn vị còn chậm so với yêu cầu. Một số bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.
Ngoài ra, mô hình, tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước vẫn còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp, một số quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước chưa được triển khai đầy đủ, phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều vướng mắc, lúng túng làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý, gây khó khăn cho tổ chức, hoạt động và đổi mới quản trị DNNN.
Thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý chủ sở hữu và cán bộ quản lý cấp cao tại các DNNN.
Theo TS. Võ Tá Chi, Trường Đại học Thương mại, mục tiêu sáp nhập không đạt được, ngược lại càng làm cho DNNN lâm vào thua lỗ trầm trọng hơn. Đặc biệt, nguy hiểm hơn, việc ra đời nhiều “ông lớn” trong lúc tiềm lực kinh tế tư nhân trong nước còn là rào cản ngăn đường thâm nhập thị trường đầu tư của tư nhân.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, do nguyên nhân thất thoát tài sản của dự án, doanh nghiệp yếu kém nhưng chưa xác định trách nhiệm của ai. Bộ máy quản lý, cơ quan chủ quản kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và đặc biệt là có nhiều hình thức hỗ trợ để tránh phá sản DNNN. Bên cạnh đó, quan hệ thân hữu, lợi ích đã được chính thức thừa nhận là nguyên nhân gây trì hoãn đổi mới DNNN.
Điển hình là việc thực hiện chủ trương tách chức năng đại diện chủ sở hữu ra khỏi các bộ, ngành, UBND. Trong khi đang cổ phần hóa, thoái vốn để giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì một số doanh nghiệp cổ phần hóa lại phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn vậy là doanh nghiệp có vốn nhà nước lại phình to sau cổ phần hóa.
Hướng tới mục tiêu hiệu quả
Theo báo cáo của CIEM, mục tiêu tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam đến năm 2020 theo hướng cơ cấu lại ngành nghề, quản trị và hiệu quả - lợi nhuận - cạnh tranh, có 240 DNNN cần sắp xếp lại trong giai đoạn này.
Trong số đó, 103 DNNN cả Trung ương lẫn địa phương vẫn tiếp tục được duy trì. 31 DNNN chiếm cổ phần sở hữu chi phối, phần lớn là tập đoàn, tổng công ty quan trọng và 106 doanh nghiệp cổ phần hóa nhà nước giữ dưới 50% vốn.
Theo TS. Võ Tá Tri, xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên để làm tốt vấn đề này, cần tách bạch một cách triệt để Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước với DNNN trên tất cả các mặt sở hữu, quản lý với doanh nghiệp.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN từ các bộ, UBND cấp tỉnh về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài sản đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường bình đẳng, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty mua bán nợ để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trịnh Đức Chiều nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật, chính sách đối với cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa các DNNN quy mô lớn (tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) theo nguyên tắc: Chỉ giữ lại những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong những ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu; hoạt động trên những địa bàn quan trọng chiến lược; phục vụ trực tiếp quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mang tính dẫn dắt, tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống mức thấp nhất, tạo điều kiện thay đổi cơ cấu và hiệu quả của quản trị với sự tham gia từ các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp.
Nghiên cứu, xây dựng luật cổ phần hóa và phát triển DNNN tạo nền tảng pháp lý cao hơn, vững chắc hơn cho cổ phần hóa những doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp quan trọng, doanh nghiệp trong các ngành đặc thù liên quan đến đất đai như nông lâm trường, an ninh, quốc phòng và thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Về lâu dài, ông Trịnh Đức Chiều nhấn mạnh, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm thu hẹp tối đa lĩnh vực tham gia của các DNNN, đặc biệt là các lĩnh vực cung cấp, sản phẩm, dịch vụ công ích, thậm chí cả đối với quốc phòng - an ninh thông qua cơ chế hợp đồng thuê ngoài.
Thực tế nhiều quốc gia cho thấy, khu vực tư nhân có thể tham gia nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh với hiệu quả cao hơn và vẫn bảo đảm được yêu cầu về bí mật quốc gia và an ninh, quốc phòng.