Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Những tín hiệu tích cực

TS. PHẠM THỊ VÂN ANH

(Tài chính) Sau nhiều năm lỡ hẹn so với kế hoạch đặt ra, năm 2014 đã khép lại với kết quả là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phát đi nhiều tín hiệu tích cực. Đây là kết quả tất yếu khi sự quyết tâm chính trị đã được thể hiện mạnh mẽ từ tất cả các cấp, ngành và là chặng nước rút để tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước về đích đúng hẹn vào năm 2015.

Những chuyển biến lớn…

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đặt ra trong bối cảnh hiện nay không chỉ đơn thuần là sắp xếp, tổ chức lại mà đòi hỏi sự đổi mới có chiều sâu, đi vào những vấn đề cốt lõi để phát huy các tiềm năng, khắc phục các bất cập của DNNN, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DNNN, nâng cao hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại DN… Với ý nghĩa quan trọng đó, trong năm qua, ngành Tài chính đã quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN để mang lại nhiều kết quả tích cực, vượt bậc so với những năm gần đây.

Hoàn thiện hơn về cơ chế chính sách

Năm 2014 có thể coi là năm có nhiều đột phá trong công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu DNNN trên nhiều phương diện. Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý, sắp xếp, tái cơ DNNN đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo khung pháp lý thuận lợi cho việc triển khai thực hiện. Cùng các cơ chế, chính sách đã được ban hành trước đó, hành lang pháp lý cho đổi mới, tái cơ cấu DNNN cơ bản được hoàn thiện hơn trong năm 2014.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách quản lý vốn nhà nước tại DN, quản lý tài chính đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo hướng nâng cao tính công khai, minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN đối với vốn và tài sản Nhà nước giao; Nâng cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Chủ sở hữu; Phân định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu cũng như của DN để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Cụ thể, trong năm qua, một số Nghị định đã được Chính phủ ban hành gồm: Nghị định số 19/2014/NĐ-CP ngày 14/03/2014 về Điều lệ mẫu của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định số 69/2014/ NĐ-CP ngày 15/7/2014 về Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty nhà nước; Nghị định số 49/2014/ NĐ-CP ngày 20/05/2014 về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu... Các bộ quản lý ngành đã trình Chính phủ ban hành 12/14 Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Đặc biệt, trong tháng 11/2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật DN (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). Đây là 3 dự Luật quan trọng điều chỉnh cơ chế tổ chức và hoạt động của DN, cơ chế quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại DN, qua đó góp phần hoàn thiện thể chế quản lý của Nhà nước cũng như hoạt động của các DN trong quá trình tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hỗ trợ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN cũng được ban hành kịp thời nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN nhưng cũng đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn ngừa thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/03/2014 về việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Trên cơ sở đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 quy định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Khả quan về kết quả

Với hành lang pháp lý dần hoàn thiện đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy kết quả tái cơ cấu DNNN đến cuối năm 2014 đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt 70 đề án của tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Những tín hiệu tích cực - Ảnh 1

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, năm 2014, cả nước đã cả nước đã sắp xếp được sắp xếp 167/479 DN được phê duyệt theo các phương án sắp xếp, tái cơ DNNN trong 2 năm 2014- 2015. Trong đó, cổ phần hóa 143 DN, chuyển 1 DN thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, giải thể 3 DN, bán 3 DN, sáp nhập 14 DN và đề nghị phá sản 3 DN. So với năm 2013, số DN được sắp xếp năm 2014 cao gấp 1,65 lần; số DN cổ phần hóa gấp gần 2 lần; số vốn nhà nước thoái được gấp hơn 6 lần.

Cùng với việc sắp xếp, cổ phần hóa, công tác thoái vốn đầu tư ra ngoài DN cũng được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. Tính đến cuối năm 2014, cả nước đã thoái 6.076 tỷ đồng tại 233 DN, thu về 8.002 tỷ đồng, bằng 1,3 lần mệnh giá. Có 6 tập đoàn, 25 tổng công ty, 5 địa phương thực hiện thoái vốn có kết quả. Trong đó, 10 tháng năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn ước đạt 2.415 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2013 (965 tỷ đồng). Như vậy, từ nay đến hết năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn phải thực hiện thoái vốn khoảng 20.089 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo hợp nhất của 86 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong 6 tháng năm 2014, tổng doanh thu đạt 885.395 tỷ đồng, bằng 50,5% so với kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế là 79.075 tỷ đồng; đạt 57,1% so với kế hoạch năm 2014; tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là 131.471 tỷ đồng, đạt 54,1% so với kế hoạch năm.

Như vậy, tính đến cuối năm 2014, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, kết quả cho thấy: Cơ chế chính sách về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN liên tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng cổ phần hóa, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các DN thực hiện. Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN từng bước được cải thiện đáng kể, tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh. Các tập đoàn, tổng công ty đã tập trung thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoạt động trong lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Những tín hiệu tích cực - Ảnh 2

Một số tồn tại

Bên cạnh những chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu DNNN trong năm qua, một số cơ chế chính sách vẫn chưa được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời. Số DN cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước có triển khai tái cơ cấu DN nhưng chưa quyết liệt, đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả. Điển hình như:

- DNNN hoạt động chung với DN thuộc thành phần kinh tế khác theo quy định tại Luật DN, Luật Đầu tư nhưng chưa giải quyết được các vấn đề đặc thù đặt ra liên quan đến sự tồn tại và vận hành của các DNNN. Việc sử dụng các công cụ quản lý nhà nước đối với DNNN bằng các văn bản dưới luật dẫn đến hiệu lực thực thi chưa cao, làm giảm hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung và gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát, giám sát của Nhà nước.

- Cơ chế, chính sách về quản lý DNNN chưa phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích, chưa đảm bảo cho các DNNN được giao hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia nhưng cần thiết cho nền kinh tế. Một số cơ chế chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

- Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa được thực hiện đầy đủ và triệt để. Vì vậy, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung cũng như hoạt động giám sát của nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước đầu tư tại DNNN còn hạn chế.

Việc triển khai xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án tái cơ cấu của một số DN còn chậm. Đến thời điểm hiện nay, có 90/108 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu, còn 18/108 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa được phê duyệt Đề án tái cơ cấu.

- Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai Đề án tái cơ cấu cũng như phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn; Chưa kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cũng dẫn đến chậm tiến độ.

- Kết quả sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn diễn ra còn chậm so với yêu cầu đặt ra mặc dù kết quả thực hiện năm 2014 có sự chuyển biến mạnh so với các năm gần đây. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm, đặc biệt là việc thoái vốn của các DN phải thực hiện theo nguyên tắc bảo toàn vốn.

- Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo về tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần hóa DN.

Quyết tâm trong chặng nước rút

Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, để hoàn thành nhiệm vụ này trước mắt cần: Tiếp tục rà soát, phân loại, bổ sung phương án sắp xếp DN cho giai đoạn 2014-2015; Hoàn thiện hệ thống chính sách hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN và Luật DN (sửa đổi). Bên cạnh đó, đòi hỏi các cấp, các ngành, DN vào cuộc với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và cần bám sát các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường chỉ đạo, tổ chức quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Đảng và các cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan của Nhà nước về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN;

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đối với DNNN:

- Về cơ chế chính sách quản lý DNNN: các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật DN (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện. Trong đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN gồm: Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN; Nghị định về giám sát, đánh giá hiệu quả và công khai thông tin và hoạt động;

- Về sắp xếp, đổi mới DNNN: Chính phủ sớm ban hành quy định về bán, giao DN 100% vốn nhà nước (thay thế Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/ 2008 của Chính phủ); quy định về chính sách đối với người lao động dôi dư tại DN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình tái cơ cấu để đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế kịp thời nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN;

Thứ ba, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu DNNN, trong đó:

- Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Chuyển các DN không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh độc lập thành các đơn vị phụ thuộc của tập đoàn, tổng công ty nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững;

- Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nghề kinh doanh chính; tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 334/TB-VPCP tại Hội nghị giao ban về tái cơ cấu DNNN tháng 8/2014;

- Tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị, nâng cao năng lực quản trị DNNN theo hướng phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế; Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu DN nhằm đảm bảo tiến độ hiệu quả.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN:

- Căn cứ phương án sắp xếp, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2015 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian quy định, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo quy định;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách các DN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN ban hành theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt;

- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn 2015; Báo cáo chủ sở hữu các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để giải quyết.

Thứ năm, khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 12/3/2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp;

Thứ sáu, thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó hỗ trợ thu hút và khuyến khích nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của DN;

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả và tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DN;

Thứ tám, thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại một số DN lớn đã cổ phần hóa đang có vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) theo quy định;

Thứ chín, thực hiện tốt chế độ báo cáo tình hình tái cơ cấu DN theo quy định để tham mưu với cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DN;

Thứ mười, đẩy mạnh truyền thông và công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong tái cơ cấu DN cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao. Coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tình hình tái cơ cấu DNNN (Bộ Tài chính);

2. Báo cáo giao ban về tình hình tái cơ cấu DNNN năm 2014 và nhiệm vụ 2015;

3. Tạp chí Tài chính, chinhphu.vn, tapchitaichinh.vn.