Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được triển khai mạnh mẽ
Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”, qua đó tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước. Căn cứ Quyết định số 707/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Danh mục các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tích cực triển khai xây dựng, phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực theo dõi, phụ trách.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước
Giai đoạn 2011 - 2016, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đạt nhiều kết quả. Số lượng DNNN đã giảm mạnh về số lượng, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục được duy trì, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hiệu quả hoạt động của DN sau cổ phần hóa (CPH), tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011 - 2016 còn tồn tại một số hạn chế sau: Một số bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu về kế hoạch tái cơ cấu.
Mặc dù đã giảm mạnh về số lượng nhưng DNNN và DN do Nhà nước giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước vẫn còn ở không ít ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, làm cho DNNN chưa tập trung tối đa vào những lĩnh vực cần thiết; Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; Năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, chưa thực sự phát huy vai trò dẫn dắt, nòng cốt của DNNN trong khu vực kinh tế nhà nước...
Nhằm khắc phục những tồn tại trên, ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”, qua đó tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các DNNN theo các mục tiêu trọng tâm sau:
i) Thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt. Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong CPH và thoái vốn, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
ii) Đầu tư của DNNN tập trung vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ; Ngành, lĩnh vực mang tầm chiến lược, có tính dẫn dắt, định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DNNN.
iii) Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường.
iv) Hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại DN; Sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại DNNN và DN có vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan đồng bộ triển khai nhiều giải pháp như:
Về cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành: Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng; Thủ tướng Chính phủ ban hành công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 về việc phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành CPH theo từng năm giai đoạn 2017-2020 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, TCT.
Trong đó, định rõ năm 2017 hoàn thành CPH 44 DN; Năm 2018 hoàn thành CPH 64 DN; Năm 2019 hoàn thành CPH 18 DN; Năm 2020 hoàn thành CPH 01 DN; Đồng thời, ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020.
Căn cứ Quyết định số 707/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Danh mục các DN thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng đã tích cực triển khai xây dựng, phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực theo dõi, phụ trách. Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại Công ty Mua bán nợ Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và trình Thủ tướng Chính phủ về phương án cơ cấu lại SCIC giai đoạn 2016-2020.
Công tác triển khai CPH cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể năm 2016 đã CPH 61 DN, 11 tháng đầu năm đã CPH được 39 DN. Nhiều tập đoàn, TCT nhà nước quy mô lớn cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ CPH như: Triển khai kế hoạch CPH tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, TCT Lương thực miền Nam, các TCT phát điện 2,3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công bố giá trị DN tại TCT Điện lực Dầu khí, TCT Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...
Công tác thoái vốn được chú trọng, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai xây dựng phương án thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh việc thực hiện thoái vốn nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực chỉ đạo các tập đoàn, TCT thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Từ năm 2016 đến hết tháng 10 năm 2017, các tập đoàn, TCT đã thoái được 8.117 tỷ đồng, thu về 23.602 tỷ đồng, trong đó SCIC thoái 3.163 tỷ đồng, thu về 16.619 tỷ đồng.
Tăng cường vai trò giám sát đối với doanh nghiệp
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng theo đánh giá của Bộ Tài chính việc thực hiện CPH, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu là do:
i) Một số bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác CPH, thoái vốn.
ii) Đối tượng CPH, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị DN.
Việc bàn giao các DN đã CPH về SCIC còn chậm (đã có 46 DN các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất chuyển giao nhưng chưa chuyển giao và 176 DN chưa thống nhất chuyển giao về SCIC).
Các DN đã CPH chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngày 15/8/2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 DN CPH chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên trang thông tin điện tử Bộ Tài chính.
Để đạt được kế hoạch như đã đề ra, theo Bộ Tài chính cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, cụ thể:
Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt cụ thể trong từng nhiệm vụ cụ thể như: Tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ cho quá trình cơ cấu lại DNNN; Rà soát các luật và các quy định có liên quan để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình cơ cấu.
Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế chính sách để đẩy nhanh quá trình CPH, quan trọng hơn là đẩy nhanh tiến độ thành lập “Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN”.
Thứ hai, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả, đúng thời hạn các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017.
- Thực hiện nhất quán mục tiêu của Luật số 69/2014/QH13; Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Nhà nước chỉ đầu tư vốn cho các DN do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thuộc 04 lĩnh vực: (i) DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; (ii) DN hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; (iii) DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; (iv) DN ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
- Đối với DN hoạt động trong các lĩnh vực khác phải kiên quyết thực hiện sắp xếp, chuyển đổi và Nhà nước không cần thiết phải tham gia nắm giữ cổ phần, phần vốn góp nhằm xóa bỏ sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động của DN.
- Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp việc đầu tư vốn chỉ áp dụng cho các DNNN cần tiếp tục duy trì, củng cố phát triển do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Đối với DN kinh doanh thua lỗ kiên quyết thực hiện sắp xếp lại theo các hình thức quy định tại Luật số 69/2014/QH13 (bao gồm cả hình thức phá sản DN).
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành CPH các DN theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chủ động thực hiện thoái vốn nhà nước và đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg; SCIC khẩn trương thực hiện bán 3,33% cổ phần của SCIC tại Vinamilk; Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại Sabeco.
Đối với các DN CPH năm 2018 và những năm tiếp theo cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai...
Thứ tư, tăng cường vai trò giám sát đối với DN; Cơ quan giám sát, DN cùng có trách nhiệm thực hiện công khai hóa các thông tin về hoạt động của DN để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi tham gia đầu tư cùng DN.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn; Áp dụng các nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quốc tế; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính;
Xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.