Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Những bước đi chắc chắn, hiệu quả
Sự ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được giữ vững, năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD từng bước cải thiện, nợ xấu đã về mức thấp nhất từ trước đến nay. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang có những bước đi chắc chắn, đảm bảo đạt mục tiêu định hướng.
Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, bài bản, khoa học.
Theo đó, cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đạt được những kết quả quan trọng. Các ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát chặt chẽ, tập trung xử lý theo nguyên tắc thị trường. Đến cuối tháng 3/2018, tỷ lệ nợ xấu còn 2,18%...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang có những bước đi khá chắc chắn nhờ tập trung xây dựng thể chế trong xử lý nợ xấu và đẩy mạnh tái cơ cấu. Đặc biệt là "bệ đỡ" từ Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật Các TCTD sửa đổi đã được thông qua. Những yếu tố này đã giúp cho bức tranh ngân hàng có thêm nhiều điểm sáng, một số ngân hàng thương mại yếu kém, có nguy cơ phá sản đã dần ổn định, trở lại hoạt động kinh doanh.
Theo báo cáo của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đến nay, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đã đạt được sự ổn định, an toàn; Hệ thống các TCTD được giữ vững và từng bước cải thiện. Bên cạnh đó, năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD từng bước cải thiện; Số lượng các TCTD có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém giảm dần; Sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước quan trọng; Khung pháp lý về tiền tệ và ngân hàng được tập trung hoàn thiện, hình thành đồng bộ hơn các chuẩn mực, thiết chế an toàn; Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát hiệu quả và duy trì ở mức dưới 3%.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhìn nhận, Nghị quyết số 42 đã mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ mang đến thay đổi rất lớn trong cả hệ thống chính trị mà cả trong những người làm công tác điều hành kinh tế; Tạo được sự bình đẳng giữa người đi vay và người cho vay, xóa tâm lý tiền ngân hàng là tiền Chính phủ như trước. Quá trình triển khai Nghị quyết 42 cũng giúp cho nền kinh tế vận hành, tiếp cận với quy luật thông thường của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, nhờ Nghị quyết số 42 chỉ trong 4 tháng của năm 2017, tốc độ thu nợ đã tăng lên rất nhiều và giảm được tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế.
Ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) - cho biết: Từ ngày 15/8/2017 khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, hiệu quả xử lý nợ xấu đã tăng gấp rưỡi so với các thời kỳ trước. Đặc biệt, Nghị quyết 42 có hiệu lực chỉ hơn 1 quý trong năm 2017 nhưng kết quả thu hồi nợ xấu về mặt thực chất của 2017 đã tăng hơn rất nhiều so với năm 2016 và những năm trước đây. "Sau Nghị quyết 42, năm 2017, VAMC cùng với các TCTD đã thu hồi nợ xấu được khoảng 37 ngàn tỷ đồng, gần bằng một nửa so với 3 năm trở lại đây" - ông Nguyễn Tiến Đông nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực: Việc xử lý nợ xấu thời gian qua đã được các cơ quan chức năng chủ động vào cuộc nhanh và nhiệt tình hơn. Để đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong thời gian tới cần có chính sách cụ thể cho phát triển thị trường mua, bán nợ.