Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025
Ngày 21/3/2017, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký Quyết định số 744/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Quyết định số 744/QĐ-BGTVT nêu rõ quan điểm, tái cơ cấu lĩnh vực vận tải là một một hợp phần quan trọng của tái cơ cấu ngành giao thông vận tải, vì vậy phải đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với nội dung Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014.
Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải phải gắn với đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014, nhằm phát triển vận tải hài hòa, bền vững theo hướng hiện đại trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải, giao thông công cộng đô thị, nâng cao năng lực vận tải quốc tế.
Đề án “Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” nêu rõ mục tiêu tổng quát giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2020, mục tiêu cần đạt được là: Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tăng cường vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh thương mại, tạo môi trường bình đẳng, công khai, minh bạch; Bảo đảm các điều kiện cần thiết để tái cơ cấu lực lượng vận tải, đẩy mạnh xã hội hóa; Hoàn thành cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực vận tải…
Đến năm 2020, phấn đấu đáp ứng nhu cầu vận tải da dạng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành của vận tải hàng hóa là 9,1%/năm, vận tải hành khách là 10,7%/năm
Bên cạnh đó, Đề án nêu rõ mục tiêu phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không. Đặc biệt trên các hành lang vận tải chính với một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 như sau: Thị phần vận tải hàng hóa (liên tỉnh): đường bộ khoảng 93,22%, đường sắt 3,38%,d dường thủy nội địa 0,17% và hàng không 3,23%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án “Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” cũng nêu chi tiết các nhiệm vụ và giải pháp nhằm tái cơ cấu lĩnh vực vận tải gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường, kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình có tính trọng yếu để tạo sự đột phá trong phát triển vận tải và thực hiện tái cơ cấu vận tải; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công…