Tái cơ cấu nền kinh tế từ huy động nguồn lực nội tại

Theo N. Thoan/nhadautu.vn

Bà Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị tài chính, Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp cho rằng, tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian tới cần chú trọng huy động nguồn lực nội tại từ huy động tiền trong dân, đến đẩy mạnh sản xuất, phục vụ tiêu dùng trong nước.

 TS. Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị tài chính, Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp.
TS. Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị tài chính, Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp.

Tại diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 14/12, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, sau giai đoạn 2016-2020, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực, song đại dịch COVID-19 và những diễn biến khó lường của tình hình thế giới tiếp tục đặt ra yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo đó, muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hàng năm, cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 là 5,8%.

Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

"Việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần được doanh nghiệp quan tâm, đặt mình trong vai trò chủ động. Do môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định và đặc biệt là sự bất ổn do đại dịch toàn cầu đưa tới nên doanh nghiệp cần thích ứng và có điều chỉnh phù hợp", ông Phòng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị tài chính, Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp cho rằng, dịch bệnh đã làm thay đổi tất cả, rất nhiều những thách thức đặt ra nhưng cũng đi kèm với đó là cơ hội mà nhiều doanh nghiệp đang nắm bắt.

"Trong đại dịch, nền kinh tế thế giới chứng kiến sự đứt gãy về chuỗi cung ứng, bên cạnh đó là quá trình chậm lại của toàn cầu hóa và ưu tiên khu vực hóa; công cuộc chuyển đổi số, phát triển công nghệ đang được đẩy mạnh một cách “thần tốc”, thế giới và khu vực hình thành chuỗi giá trị mới. Đó là điều chúng ta đặc biệt phải quan tâm", bà Nga nói.

Theo đó, bà Nga cho rằng, có 4 bài toán cần giải để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Một là cần thúc đẩy mô hình kinh tế tương lai, hướng đến phát triển kinh tế xanh và kinh tế số.

Hai là nâng cao tương tác quốc gia, khả năng cạnh tranh, khả năng hợp tác, vị thế trong chuỗi giá trị và tương tác về nguồn lực lao động.

Ba là tái cơ cấu kinh tế về chiều sâu, không chỉ thay đổi cấu trúc mà là thứ tự ưu tiên, cần phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin.

Và cuối cùng là thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã suy giảm 2 năm liên tiếp do tác động của đại dịch. Áp lực hiện tại là cải cách thể chế và môi tường kinh doanh không phải trên giấy tờ mà bằng hành động cụ thể từ phía Nhà nước.

Theo đó, để giải bài toán tái cấu trúc nền kinh tế, bà Nga cho rằng, nên tái cơ cấu nền kinh kinh tế sau khủng hoảng bằng huy động nguồn lực nội tại.

Cụ thể, trước tiên là tận dụng nguồn lực tài chính trong dân. Lấy dẫn chứng, bà Nga cho biết, tại Pháp, người dân tiết kiệm thêm 160 tỷ Euro từ đầu 2020 đến cuối 2021. Ước tính, nếu 20% số tiền tiết kiệm này đã được đầu tư thì tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể sẽ là 6%, thay vì 4,3% như dự tính của quốc gia này.

Cùng với đó là tăng cường phục vụ thị trường nội địa. Bài học về đứt gãy các chuỗi cung ứng do đại dịch dẫn đến xu thế toàn cầu hóa chậm lại, nhường chỗ cho xu thế địa phương hóa từ sản xuất đến tiêu thụ.

Bên cạnh đó, theo bà Nga nên sử dụng tích cực công cụ thuế và đòn bẩy tài chính để định hướng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tái cơ cấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian tới.

Ngoài ra, cần phát triển kinh tế tư nhân, phát triển sức mua nội địa. Đại dịch cho thấy những mối đe dọa từ việc phụ thuộc vào chi tiêu nước ngoài và cung cấp lao động giá rẻ. Cần tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu từ chiều rộng sang chiều sâu, từ thang giá trị thấp lên thang giá trị cao, thâm nhập thị trường khu vực và thế giới. 

Cuối cùng, bà Nga đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp, cần tìm cách gỡ nút thắt của ngành hoạt động, tập trung vào khả năng thích ứng và khả năng chống chịu của doanh nghiệp; nắm bắt được xu thế trong nước và quốc tế, xu thế ngành và chuỗi giá trị để nắm bắt cơ hội hợp tác, đầu tư.