DATC xử lý nợ tiếp nhận và xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu?
Để tạo thuận lợi trong việc thực hiện xử lý nợ tiếp nhận và xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu, Chính phủ đã “tiếp thêm lực” cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) bằng các quy định, cơ sở pháp lý cụ thể.
Xử lý nợ tiếp nhận
Theo đó, tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, Chính phủ nêu rõ, DATC được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ và điều chỉnh lãi suất khoản nợ phù hợp với khả năng của bên nợ và điều kiện thị trường; Giảm trừ nghĩa vụ trả nợ lãi và sử dụng một phần phí được hưởng theo quy định để giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ gốc nhằm khuyến khích bên nợ trả nợ sớm.
DATC được thực hiện thỏa thuận với bên nợ và các bên có liên quan để thu nợ bằng tài sản, bao gồm cả: quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; dự án, kể cả dự án bất động sản. Tài sản thu nợ phải được định giá thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và đảm bảo có đủ hồ sơ, điều kiện để thực hiện chuyển giao quyền sở hữu giữa các bên theo quy định của pháp luật.
DATC thỏa thuận với bên nợ và bên thứ ba để thực hiện chuyển giao nghĩa vụ trả nợ sang bên thứ ba trên nguyên tắc đảm bảo thuận lợi hơn cho DATC trong việc xử lý và thu hồi nợ; Thỏa thuận với chủ sở hữu doanh nghiệp nợ về việc chuyển nợ thành vốn góp để tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp bên nợ theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định này. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhấn mạnh, việc xử lý tài sản bảo đảm khoản nợ thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này.
Đối với các khoản nợ được xác định là không có khả năng thu hồi theo quy định (bao gồm cả nợ xử lý trước thời điểm bàn giao) đã được DATC theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán từ 10 năm trở lên (tính cả thời gian doanh nghiệp theo dõi ngoài bảng trước khi chuyển giao cho DATC nếu có), DATC quyết định loại trừ, không tiếp tục theo dõi trên sổ sách kế toán sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính. DATC chịu trách nhiệm về việc loại trừ, không tiếp tục theo dõi các khoản nợ nêu trên.
Xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu
DATC được xem xét, giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
Mức giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu được căn cứ theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về xác định giá trị doanh nghiệp trừ đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác (nếu có) và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ; Các chủ nợ khác quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo thỏa thuận giữa các bên.
Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nếu doanh nghiệp tái cơ cấu có phát sinh lỗ, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định; Số lỗ còn lại được DATC và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ nếu còn nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách khoản nợ.
DATC giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp nợ trên cơ sở đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết đã thống nhất giữa các bên.
Mức giảm trừ tối đa không quá số lỗ lũy kết trên báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ.