"Tài sản đen" tẩu tán ra nước ngoài: Vì sao khó thu hồi?
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mục tiêu thu lại được tài sản đã bị chiếm đoạt trong các vụ án mới được gọi là đạt kết quả cao nhất, vấn đề này tuy không mới nhưng luôn “nóng”…
Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, việc phát hiện, xử lý đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án, xử lý nhiều đối tượng. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt do tham nhũng, tiêu cực vẫn còn là điểm yếu. Đặc biệt, trong một số vụ án vẫn còn để xảy ra tình trạng có đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài khiến cho việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt vốn đã khó lại càng khó khăn hơn. Vậy nguyên nhân vì sao? Và các giải pháp nào để việc thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả trong thời gian tới?
Từ vụ “trùm” cờ bạc Phan Sào Nam…
Mới đây, liên quan đến đại án đánh bạc nghìn xảy ra tại Phú Thọ, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đang đề nghị Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn xử lý đối với số tiền 3,5 triệu USD của Phan Sào Nam gửi tại ngân hàng Singapore. Nguyên nhân là do hiện cơ quan chức năng đang gặp khó trong việc xác minh khoản tiền này.
Cụ thể, theo hồ sơ vụ án, Phan Sào Nam đã cho một người bạn Quốc tịch Singapore vay 3,5 triệu USD từ nguồn tiền hưởng lợi do tổ chức đánh bạc. Sau đó, số tiền này được chuyển vào tài khoản của Phan Sào Nam tại Ngân hàng Bank Of Singapore.
Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ đồng qua mạng đều tuyên buộc thu hồi khoản tiền này. Tuy nhiên, khi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiến hành xác minh từ phía cơ quan chức năng Singapore cho thấy, khoản tiền 3,5 triệu USD đã không còn từ trước khi bản án có hiệu lực. Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được số tiền này đã được chuyển đi đâu.
Đáng nói, mặc dù Việt Nam và Singapore đã tham gia tương trợ tư pháp trong khối ASEAN nhưng việc phong tỏa, kê biên, thu giữ, tịch thu tài sản và xử lý tài sản do phạm tội mà có bị tẩu tán ra nước ngoài lại khó khăn đến vậy.
Trong khi đó, quá trình điều tra, xử lý cho thấy, Phan Sào Nam đã nhiều lần bất hợp tác trong việc phong toả đối với những tài sản của đối tượng này nằm ở nước ngoài khiến cơ quan chức năng khó khăn trong xác minh, kê biên, thu hồi tài sản.
Cụ thể, theo cơ quan chức năng xác định, vào thời điểm tháng 8/2018, tài khoản của Phan Sào Nam và Nguyễn Thị Tâm Chuyên (vợ Nam) tại Ngân hàng DBS Singapore có số dư 5,3 triệu USD. Ngày 28/11/2019, Phan Sào Nam nhận bản thông báo của Công an Singapore (do Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ chuyển), trong đó ghi rõ tại tài khoản của Phan Sào Nam và Nguyễn Thị Tâm Chuyên ở Ngân hàng DBS Singapore có số tiền trên 5,3 triệu USD và 253 nghìn SGD.
Tuy nhiên, khi làm việc với Cơ quan An ninh điều tra vào các ngày 25/9/2017, 25/10/2019, 28/11/2019 về việc gia hạn phong tỏa tài khoản của Phan Sào Nam và vợ tại Ngân hàng DBS Singapore, Nam đều không hợp tác để phong tỏa tài khoản này.
Ngoài ra, khi làm việc với Cục THADS tỉnh Phú Thọ các ngày 28/4/2020 và 14/10/2020, Phan Sào Nam không đồng ý, không tự nguyện khấu trừ số tiền 5,3 triệu USD tại Ngân hàng DBS Singapore để thi hành phần nghĩa vụ 155 tỷ đồng còn lại theo quyết định của bản án.
Ngoài các tài sản cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu truy nộp, Nam còn 253 nghìn SGD tại Ngân hàng DBS Singapore , nhưng Nam không khai báo, không tự nguyện, chủ động khấu trừ số tiền này…
Đáng nói, đây không phải vụ cá biệt. Trước đó, có nhiều vụ dù cơ quan chức năng đã xác định rõ và bị cáo đã khai nhận những khoản tiền phi pháp chiếm đoạt khổng lồ bị tẩu tán ra nước ngoài nhưng không thu hồi được. Điển hình như, trong vụ Dương Chí Dũng tổng số tài sản bị thất thoát là 6,7 triệu USD có 4,3 triệu USD chuyển cho Công ty Global Success ở Nga tới nay vẫn biệt tăm dù Việt Nam đã có văn bản đề nghị tương trợ tư pháp.
Vì sao khó thu hồi?
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì mục tiêu thu lại được tài sản tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án mới là kết quả cao nhất của phòng, chống tham nhũng - vấn đề dù không mới nhưng nó lại luôn “nóng”. Đây là chủ chương xuyên suốt trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, thực tế việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thời gian qua, tỷ lệ thu hồi tài sản trong đa số các vụ án tham nhũng, tiêu cực có tăng nhưng còn thấp so với số phải thu hồi.
Có thể thấy, với tội phạm kinh tế, tham nhũng, các đối tượng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết phát luật, có chức vụ, quyền lực chính trị và đặc biệt là có mối quan hệ xã hội rộng… sẽ tìm mọi cách “tẩu tán” ngay từ khi có được tài sản phi pháp. Đặc biệt, trong một số vụ án, vụ việc vẫn còn để xảy ra tình trạng có đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài, khiến cho việc thu hồi tài sản tham nhũng, chiếm đoạt vốn đã khó lại càng khó khăn để thu hồi.
Qua những vụ việc kể trên, nhiều người lại đặt ra câu hỏi như: Làm sao để thu hồi tài sản bất hợp pháp do tiêu cực, tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài; Tài sản tham nhũng, chiếm đoạt bị tẩu tán, cất giấu ở nước ngoài có thể kê biên và tịch thu được không?...
Nhiều chuyên gia cho rằng, về mặt lý thuyết tài sản ở nước ngoài có nguồn gốc từ tiền tham nhũng có thể bị kê biên và tịch thu. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới, để thu hồi được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, các nước thường sử dụng một số phương thức cơ bản như: Thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự; thu hồi không dựa trên kết án hình sự; thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính; khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, với những phương thức nêu trên thì đều gặp nhiều trở ngại, đó là: Việt Nam và quốc gia nơi có tài sản tham nhũng có hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và lĩnh vực thi hành án dân sự hay không? Việt Nam và quốc gia nơi có tài sản có áp dụng cơ chế có đi, có lại không? Bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có được cho thi hành ở nước sở tại hay không?...
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký 19 hiệp định song phương về tương trợ tư pháp hình sự, 01 hiệp định khu vực ASEAN và là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam đã phê chuẩn từ năm 2009. Công ước quy định các nguyên tắc về thu hồi tài sản tham nhũng, quy định về phòng ngừa, phát hiện tài sản tham nhũng và quy định về biện pháp thu hồi.
Tuy nhiên, luật sư Hiệp cũng cho rằng, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay.
“Đây là những nguyên nhân chủ yến khiến cho việc xác minh, thu hồi những tài sản do phạm tội mà có nằm ở ngoài của các cơ quan chức năng trong các vụ án kinh tế tham nhũng trở nên vô cùng khó khăn” – Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nhận định.
Cụ thể, theo Giám đốc Công ty Luật HPVN, Luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam thiếu những quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phối hợp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp thu hồi tài sản trong tố tụng hình sự, nhất là quy định liên quan đến phong tỏa, kê biên, thu giữ, tịch thu tài sản và xử lý tài sản do phạm tội mà có.
“Hay, các quy định về thủ tục tố tụng hình sự, dân sự, hành chính hay các quy định về quyền tài phán… thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu mà Công ước đặt ra” – Luật sư Hiệp nói.