Tại sao các startup làm phần mềm miễn phí lại nhận được đầu tư?
Cách thu tiền nhanh nhất của các công ty phần mềm là thu phí bản quyền. Nhưng chính những công ty làm phần mềm miễn phí mà cụ thể là phần mềm nguồn mở lại thu hút nhiều nhà đầu tư trong năm qua.
Năm 2018, hàng loạt các vụ sáp nhập, mua bán của các công ty phát triển phần mềm mã nguồn mở, dịch vụ miễn phí đã thu hút sự chú ý lớn. Tiêu biểu nhất là giao dịch Microsoft mua lại Github, IBM mua lại Red Hat, VMware mua lại Heptio.
Những thương vụ này có điểm chung là những công ty phần mềm trả phí, đang bỏ nhiều tiền ra mua lại các công ty tạo ra sản phẩm miễn phí.
Theo ông Joseph Jacks, người sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm OSS Capital, năm ngoái tổng giá trị các thương vụ mua lại, sáp nhập của các công ty lớn vào các startup mã nguồn mở đã đạt 70 tỷ USD. Số tiền đầu tư cho các startup dạng này đã nhiều hơn 2 tỷ USD.
Ông cũng đánh giá rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều hoạt động như vậy trong ngành phần mềm nguồn mở”.
Phần mềm mã nguồn mở là những phần mềm, ứng dụng được các tổ chức hoặc cá nhân tạo ra nhưng lại công khai mã nguồn gốc, cho phép mọi người có thể tham gia sửa đổi hoặc sử dụng để tạo ra một sản phẩm mới của chính họ. Và gần như tất cả các phần mềm mã nguồn mở đều miễn phí.
Thế nhưng với giá trị đầu tư, mua lại lớn như trong năm 2018 thì có thể thấy mã nguồn mở đang phát triển với tốc độ của phần mềm trả phí.
Vậy điều gì hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ tiền để tạo ra thứ miễn phí đến vậy?
Nếu nhìn vào từng trường hợp cụ thể, mọi người đều cảm nhận được mọi startup, công ty làm sản phẩm mã nguồn mở đều đang đi theo cùng một hướng. Đó là tạo ra sản phẩm miễn phí nhưng lại có số lượng khách hàng đông đảo. Số lượng khách hàng này ngày một lớn và liên tục đòi hỏi phần mềm miễn phí mà họ dùng phải hoàn thiện hơn, nhiều chức năng hơn.
Càng nhiều doanh nghiệp sử dụng phần mềm nguồn mở, càng nhiều người phụ thuộc vào các công ty phát triển và có nhiều cách để thu tiền từ nhóm khách hàng này.
Cũng theo ông Joseph Jack, hiện đang có 40 công ty làm phần mềm mã nguồn mở có doanh thu trên 100 triệu USD. 4 năm trước số doanh nghiệp này chỉ có 8.
Trong năm 2019, vốn cho các doanh nghiệp, startup mã nguồn mở sẽ tăng thông qua nhiều kênh như M&A, đầu tư, IPO.
Các nhà đầu tư nhìn nhận cơ hội đến từ chính mô hình kinh doanh của các công ty này. Kết quả kinh doanh của các công ty làm mã nguồn mở trong những năm gần đây rất tốt. Chính khách hàng của họ cũng cảm thấy cần sử dụng mã nguồn mở thay vì bỏ tiền cho các phần mềm độc quyền như trước đây.
Các doanh nghiệp sử dụng phần mềm mã nguồn mở sẽ tiết kiệm được chi phí đánh giá xem một phần mềm, ứng dụng mới có hoạt động phù hợp với công ty họ hay không. Đây cũng là xu hướng mới khi các doanh nghiệp chuyển hoạt động của mình lên các dịch vụ đám mây.
Mã nguồn mở cũng là sản phẩm dễ bán hơn. Các công ty phần mềm dạng này không tốn quá nhiều chi phí cho việc bán hàng vì chính việc sản phẩm của họ giá rẻ hoặc miễn phí đã là một công cụ rất tốt. Người dùng cũng trung thành với các phần mềm này hơn.
Vẫn có những người cảnh giác
Trước đây, chính Microsoft đã từng nêu quan điểm phần mềm mã nguồn mở sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh có hại cho ngành công nghiệp phần mềm. Nhưng đến năm ngoái họ đã làm ngược lại quan điểm này bằng việc mua lại Github.
Nhưng người đứng đầu của Scale Venture Partners, ông Eric Anderson vẫn có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng: “Vẫn rất khó để sử dụng các công cụ kiếm tiền cho ứng dụng mã nguồn mở”.
Và đây đúng là vấn đề. Làm thế nào để yêu cầu người dùng miễn phí trả phí cho thứ họ không mất tiền trong rất lâu. Ngoài ra đối thủ cạnh tranh của phần mềm chính là các dịch vụ đám mây đang ngày càng hấp dẫn với chi phí thấp và tốc độ triển khai rất nhanh.
Tất nhiên để tránh cạnh tranh như vậy, các công ty phần mềm phải tạo ra sản phẩm hoặc chức năng mà các dịch vụ đám mây không có. Và chính những công ty nguồn mở sẽ phải làm việc hết sức để duy trì cộng đồng người dùng và cũng chính là các khách hàng của mình.