Tận dụng cơ hội từ các cải cách chính sách thuế toàn cầu
Tham dự và phát biểu tại Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 vừa diễn ra ngày 19/3, phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, Bộ Tài chính đã có dự thảo các biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó, tận dụng cơ hội từ các cải cách chính sách thuế toàn cầu.
Đại diện Tổng Cục thuế cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, Việt Nam cần nguồn lực tài chính rất lớn từ cả trong nước và nước ngoài.
Theo đó, từ năm 2017, Việt Nam tham gia là thành viên thứ 100 cùng hành động BEPS (Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận) với mục tiêu cải cách hệ thống thuế: Chống xói mòn nguồn thu, chống trốn thuế toàn cầu, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, khơi thông các nguồn thu tiềm năng trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, đầu tư toàn cầu và đặc biệt từ sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số toàn thế giới.
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quan trọng cho nguồn thu nội địa quan trọng như khoản thu từ đất đai, chuyển nhượng bất động sản, hay các nguồn thu từ thương mại điện tử bao gồm hoạt động dịch vụ kinh tế số xuyên biên giới, tạo nguồn lực tài chính quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.
Chính phủ Việt Nam đã thành lập và đưa ra được quy chế hoạt động tổ công tác chuyên về trụ cột 2 (quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được áp dụng từ năm 2023) với sự tham gia của các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có dự thảo các biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó, tận dụng cơ hội từ các cải cách chính sách thuế toàn cầu.
Chia sẻ về các giải pháp chính sách thuế, Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, trước mắc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD); Trong thời gian tới sẽ ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn ở Việt Nam.
Về trung hạn, kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường…
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, Bộ Tài chính luôn hướng tới việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ cho người tiêu dùng hợp lý, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục ghi nhận những kiến nghị của các Hiệp hội về hướng dẫn thuế đối với các dịch vụ số xuyên biên giới, khẳng định chủ quyền quản lý thuế và tuân thủ theo các công nghệ quốc tế... Đồng thời, mong muốn các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài chính tham gia xây dựng các chính sách để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững.
Lãnh đạo cơ quan Thuế Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam nghiên cứu các biện pháp qua thuế nhằm bảo vệ môi trường, như thuế các-bon, cắt giảm khí thải...