Thuế tối thiếu toàn cầu là “vấn đề đại sự”
Nếu không có gì thay đổi, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ 1/1/2024 và sẽ tác động lớn đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, đây là “vấn đề đại sự”, để giải quyết đòi hỏi phải điều chỉnh thể chế, chính sách ưu đãi, thu hút FDI nhưng điều này lại không thể làm trong ngày một ngày hai.
Tác động lớn đến thu hút FDI
Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), một sáng kiến của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Vào cuối năm 2021, 137/141 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của BEPS (bao gồm Việt Nam) đã thông qua thỏa thuận khung về áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào cuối năm 2023.
Theo đó, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro (tương đương 870 triệu USD, hoặc 19.500 tỷ đồng) trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Các công ty hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại nước đặt trụ sở chính.
Nếu không có gì thay đổi, từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng thuế này. Nói vậy là bởi giữa tháng 12 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%. Một tuần sau, Quốc hội Hàn Quốc thông qua Đạo luật điều chỉnh thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024. Từ trước đó, các nước G7 đã đạt được thỏa thuận về thuế tối thiểu toàn cầu “ít nhất 15%” (tháng 6.2021) và các nước G20 cũng tán thành chính sách này (cuối tháng 10/2021).
Đặc biệt, ngày 2/2 vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố chi tiết bản hướng dẫn cuối cùng đối với Chính phủ các nước về cách thức đưa thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào các văn bản luật, theo đó tiến gần hơn tới việc thực hiện cải cách này vào năm 2024.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các quốc gia đang phát triển, bởi các nước này chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu có thể xáo trộn trong ngắn hạn khi thực thi quy tắc này.
Theo đó, Việt Nam sẽ gặp một số thách thức trong việc duy trì tính cạnh tranh của môi trường đầu tư với những doanh nghiệp đa quốc gia lớn đang hoạt động tại nước ta và nằm trong phạm vi áp dụng của chính sách này. Thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến ưu đãi thuế mà các công ty con và chi nhánh của những doanh nghiệp này đang được hưởng tại nước ta.
Điều này có thể tác động đến các quyết định về mặt đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tuy số lượng các nhà đầu tư thuộc diện này không nhiều nhưng ảnh hưởng sẽ rất lớn bởi họ có vai trò lôi kéo và dẫn dắt chuỗi cung ứng, đồng thời phần nào định hình cơ cấu vốn và ngành nghề mà các doanh nghiệp FDI chọn đầu tư tại nước ta.
Để thu hút thêm “đại bàng” và đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển “hậu” COVID-19, đầu năm 2022, Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, tùy vào việc đáp ứng được đến mức độ nào các tiêu chí mà Chính phủ đặt ra, các nhà đầu tư chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các mức lãi suất 5%, 7% và 9% trong vòng 30 - 37 năm.
Tuy nhiên, với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% thì các biện pháp ưu đãi thuế đó sẽ bị vô hiệu hóa và mục tiêu thu hút "đại bàng" sẽ khó đạt được.
Không dễ tìm giải pháp thay thế
Lần đầu tiên công bố Báo cáo thường niên về FDI tại Việt Nam vào tháng 5.2022, GS.TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nhắc đến việc phải hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan đến FDI, bao gồm cả việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. “Đây là vấn đề đại sự, cần sớm có đối sách để xử lý”, ông nhấn mạnh.
Hàm ý của vị chuyên gia “cả đời” gắn bó với lĩnh vực đầu tư nước ngoài là thời gian không còn nhiều trong khi vấn đề này tác động lớn, lâu dài nên Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm đánh giá chuyên sâu tác động của chính sách này đối với môi trường đầu tư tại nước ta và đưa ra giải pháp để vừa bảo vệ được lợi ích của mình, vừa bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư và vẫn thu hút được “đại bàng” đến làm tổ.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ 1.1.2024 sẽ tác động lớn đến thu hút FDI trong thời gian tới. “Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải điều chỉnh thể chế, chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài nhưng điều này lại không thể làm trong ngày một ngày hai và tìm giải pháp thay thế rất thách thức”, ông Hiếu bình luận.
Cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới tỏ ra rất chủ động với vấn đề này, thể hiện ở những hành động cụ thể. Chẳng hạn, EU, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản… đều đã thông qua hoặc đang thúc đẩy sửa đổi các quy định liên quan để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhằm thu thuế bổ sung từ năm 2024. Những nước tiếp nhận đầu tư như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng đang ráo riết tìm giải pháp nhằm ứng phó, giữ chân nhà đầu tư trước ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Với Việt Nam, trong cuộc tiếp ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Electronics phụ trách tài chính và đoàn công tác của Samsung Electronics ngày 13/1/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Hiện nay, Tổ công tác đang được kiện toàn nhân sự để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để bảo đảm các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.