Tận dụng sự tăng trưởng nhanh
Dự báo trong những năm tới, cạnh tranh giữa thương hiệu nội và ngoại sẽ gay gắt, bởi doanh nghiệp nội có lợi thế hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Còn doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính lớn đủ để thâu tóm thị trường và mở rộng quy mô kinh doanh.
Ông Kent Wertime, Giám đốc Công ty truyền thông Ogilvy & Mather khu vực châu Á cho biết, đã xác định 12 thị trường tăng trưởng nhanh (dựa trên sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu) trong vòng 10 năm tới, có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn cầu. Việt Nam có mặt trong số này, và doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển sản xuất, đến gần hơn người tiêu dùng mới trong nước, để có lợi thế cạnh tranh hơn.
12 nước được xếp vào TOP thị trường tăng trưởng nhanh trong 10 năm tới. Châu Á gồm Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar và Philippines.
Khu vực khác có Mexico, Brazil, Nigeria, Ai Cập… Tại đây, tầng lớp trung lưu tăng rất nhanh (đến năm 2025, Trung Quốc tăng 187%, Indonesia tăng 50%, Việt Nam tăng 19%, Ấn Độ tăng 397%....) và ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của chính nước họ đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn cầu.
Bởi những nhu cầu cá nhân của tầng lớp trung lưu sẽ ảnh hưởng đến lối sống địa phương, chính sách của nhà nước, thu hút thương hiệu hàng hóa quốc tế và buộc những nhà sản xuất trong nước phải thay đổi cách làm thương hiệu và truyền thông cho đối tượng người tiêu dùng mới.
Cũng như 11 quốc gia là thị trường tăng trưởng nhanh, sức tăng trưởng của Việt Nam đa dạng, do chịu tác động thương mại toàn cầu. Nổi bật nhất là ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh, với khối lượng lớn người tiêu dùng kết nối internet.
Cụ thể dân số Việt Nam năm 2015 là 91,3 triệu người, trong đó 45% dân số sử dụng internet, 62% người mua sắm trực tuyến và 80% doanh nghiệp Việt sử dụng thư điện tử quảng bá, giao dịch khách hàng… Qua internet, sự tương tác xã hội, tiếp cận thương hiệu hàng hóa quốc tế, nâng cấp nhu cầu tiêu dùng cá nhân phần lớn ở tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.
Đặc biệt, phụ nữ góp mặt trong kinh doanh hay xã hội ngày càng nhiều, tạo nên xu hướng hay nhu cầu tiêu dùng mới nhanh, chất lượng. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh đã biến các thành phố trung tâm như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… thành những khu vực thương mại, tập trung doanh nghiệp sáng chế, kinh doanh và thu hút đầu tư... tạo sức ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.
Thương hiệu nội vẫn có lợi thế cạnh tranh, đây chính là điểm sáng của 12 thị trường phát triển nhanh. Ông Kent Wertime phân tích, qua khảo sát tại 12 quốc gia là thị trường phát triển nhanh cho thấy, người dân mua sắm tiêu dùng thương hiệu quốc tế lẫn trong nước, với 45% người dân chọn mua sản phẩm nội và 39% chọn việc mua hàng tách biệt giữa hàng nội và hàng ngoại.
Tại một số thị trường khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam thương hiệu nội chiếm vị trí cao hơn trong tiêu dùng thường xuyên, nhất là các lĩnh vực y học, du lịch, hàng gia dụng, thực phẩm và thời trang. Tuy nhiên cũng có những quốc gia (như Myanmar) lại đặc biệt ưa chuộng hàng nhập khẩu, bởi đất nước này đang mở cửa thị trường và họ ưa chuộng hàng ngoại ở nhiều lĩnh vực.
Dù vậy, dự báo trong những năm tới, cạnh tranh giữa thương hiệu nội và ngoại sẽ gay gắt, bởi doanh nghiệp nội có lợi thế hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Còn doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính lớn đủ để thâu tóm thị trường và mở rộng quy mô kinh doanh.
Điều này đang thể hiện rõ nhất ở thị trường bán lẻ Việt Nam, khi đã có trên 50% nhà bán lẻ nước ngoài đang sở hữu hàng loạt siêu thị lớn tại các thành phố lớn của Việt Nam. Mặc dù nhà bán lẻ trong nước vẫn tự tin với sự hiểu biết khách hàng, uy tín thương hiệu, nhưng việc chia nhỏ thị phần đã không thể tránh khỏi.
Mặt khác, doanh nghiệp nội hiện nay không thể bỏ qua đối tượng khách hàng quan trọng là tầng lớp trung lưu. Trong sản xuất, kinh doanh, phân khúc hàng cao cấp phải được chú trọng để hướng đến đối tượng khách hàng này.
Cụ thể, ngành may mặc thời trang Việt Nam hiện đang đi đúng hướng, với sự đầu tư thương hiệu may mặc cao cấp của nhiều doanh nghiệp, cạnh tranh ngang bằng với sản phẩm ngoại cùng loại.
Ông Kent Wertime khẳng định, nghiên cứu 12 thị trường tăng trưởng nhanh này đã mở ra một hướng mới trong sự phát triển toàn cầu. Bởi sự thay đổi của người tiêu dùng trong những thị trường này, đặc biệt là Nam Á, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 10 năm tới.