Tăng chậm lại, xuất khẩu rau quả vẫn hướng tới 10 tỷ USD
Dự kiến, cả năm 2018 tăng trưởng xuất khẩu rau quả khoảng 10% so với năm 2017 và con số này còn kém xa mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 40% của năm 2017, nhưng con số 10 tỷ USD vào năm 2025 vẫn hoàn toàn có thể đạt được.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm với 73,8% thị phần. Giá trị xuất khẩu rau quả đạt 2,41 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài Trung Quốc, trong 10 tháng đầu năm, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là: Australia (tăng 36,8%), Hoa Kỳ (tăng 34,7%), Thái Lan (tăng 32,4%), Hàn Quốc (tăng 28,7%).
Các chuyên gia nhận định, ảnh hưởng từ cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa khiến nhu cầu nhập khẩu giảm xuống. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm.
Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, trong thời gian qua, việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện cho ngành rau quả mở cửa các thị trường mới. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả giảm phụ thuộc vào một thị trường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ xuất khẩu, nhất là với việc thông tin, kiểm tra chất lượng của thị trường nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ nay đến hết năm, với sản xuất, xuất khẩu nông sản nói chung, rau quả nói riêng, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn (cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao) và sang các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm...
Xét về lâu dài, nhiều chuyên gia đánh giá: Tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như hiện nay. Nếu đẩy mạnh xuất khẩu rau quả, con số 10 tỷ USD vào năm 2025 là hoàn toàn đạt được “trong tầm tay”. Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó, đầu tư cho chế biến sâu sẽ là bước đột phá quan trọng.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra thông tin thêm tại thị trường nội địa, tháng 11 là thời điểm thu hoạch nhiều loại trái cây có múi như cam, bưởi, quýt tại nhiều tỉnh trên cả nước. Hơn nữa, với điều kiện thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, sản lượng trái cây có múi đều tăng so với năm trước.
Tại khu vực ĐBSCL, giá bưởi da xanh giảm mạnh. Hiện thương lái đến tận vườn thu mua loại bưởi 1 (mã đẹp, trọng lượng từ 1,4-1,8 kg/quả) có giá 32.000 đồng/kg – 35.000 đ/kg, loại 2 giá từ 20.000 – 23.000 đ/kg giảm hơn 50% so với 2 tháng trước.
Bưởi da xanh giảm giá do nhiều nguyên nhân như bưởi trái không đạt; thị trường Trung Quốc cũng có bưởi nên hạn chế mua hàng của Việt Nam. Ngoài ra, bưởi da xanh còn bị cạnh tranh với một số trái cây có múi khác như cam, quýt hiện cũng đang ở mức giá thấp. Giá cam sành tại ĐBSCL liên tiếp sụt giảm. Hiện, giá cam sành tại đây chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đ/kg.
Đáng chú ý, tại Tiền Giang, sầu riêng bắt đầu vào mùa thu hoạch, tuy nhiên đang gặp khó khăn về về đầu ra do chưa được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc.