Tăng cường hiệu quả quản lý an ninh nguồn phóng xạ hiện nay

Phùng Tuấn

(Tài chính) Thời gian qua, tuy công tác quản lý an toàn, an ninh tại các cơ sở tiến hành công việc bức xạ đã được nâng cao song vẫn còn không ít bất cập. Sự cố mất nguồn phóng xạ của công ty APAVE tháng 9/2014 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh nguồn phóng xạ hiện nay. Thực tế dù cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, nguồn phóng xạ đã nhanh chóng được tìm lại và kiểm soát, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, môi trường và kinh tế, song đây là bài học kinh nghiệm về công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ.

Các cơ quan chức năng đo đạc, đánh giá tình hình nguồn phóng xạ sau khi tìm thấy thiết bị bị mất cắp.
Các cơ quan chức năng đo đạc, đánh giá tình hình nguồn phóng xạ sau khi tìm thấy thiết bị bị mất cắp.

Từ sự cố mất nguồn phóng xạ…

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam đã xảy ra khá nhiều sự cố mất an toàn, an ninh liên quan đến nguồn phóng xạ sử dụng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp (phương pháp quan trọng để kiểm soát chất lượng trong quá trình chế tạo nhiều loại thiết bị và các công trình xây dựng quan trọng). Có thể kể ra một số vụ việc điển hình như sự cố mất an toàn tại Công ty Anpha tại Hyundai Vinashin ở Khánh Hòa tháng 10/2002, tại cảng Hạ lưu Bà Rịa - Vũng Tàu tháng 12/2007, việc không kiểm soát đầy đủ khi lập rào chắn khu vực chụp ảnh phóng xạ của Công ty Lilama - Thí nghiệm Cơ điện tại khu công nghiệp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tháng 4/2008.

Đặc biệt, gần đây nhất là sự cố mất nguồn phóng xạ tại Công ty TNHH APAVE Châu Á – Thái Bình Dương - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Công ty APAVE) vào tháng 9/2014. Theo đó, ngày 12/9 tại TP. Hồ Chí Minh, nhân viên Công ty APAVE phát hiện bị mất 1 thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp (NDT) có chứa 1 nguồn phóng xạ kín Ir-192 (Iradium - 192), hoạt độ tại thời điểm mất 20,5 Ci tại nhà trọ (địa chỉ số 521/67/60A, đường Nguyễn Đình Khơi, phường 4, quận Tân Bình). Đến ngày 15/9/2014, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận trình báo của ông Huỳnh Tấn Hoàng, Phó giám đốc phụ trách công tác kiểm định không phá hủy mẫu NDT của Công ty APAVE về sự cố bị mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ…

Ngày 18/9/2014, Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định thành lập tổ công tác gồm: Sở Khoa học và Công nghệ; Phòng PA81 - CA TP. Hồ Chí Minh, Cục An toàn Bức xạ và Hạt Nhân; Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ); Công an Quận Tân Bình và Trung tâm hạt nhân TP. Hồ Chí Minh và phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ công tác. Cùng ngày, Công an Quận Tân Bình đã phát hiện và cô lập thiết bị tại địa chỉ nhà 111/15 Tổ 46, Khu phố 6, Đường Vườn Lài, Phường Phú Thọ Hòa, Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh và thông báo cho Tổ công tác đến hiện trường hiện trường phối hợp với Công an quận Tân Bình xác định mức độ nguy hiểm của thiết bị chứa nguồn phóng xạ và thực hiện việc thu hồi thiết bị chứa nguồn phóng xạ theo quy định. Sau đó, thiết bị chứa nguồn phóng xạ được đưa về kho nguồn của Công ty Apave để lưu giữ và bảo quản.

Rất may là kết quả kiểm tra cho thấy, suất liều bức xạ đo được tại khu vực đặt thiết bị chứa nguồn sau khi đã di dời thiết bị là 0,089µSv/h - giá trị này thấp hơn giới hạn suất liều bức xạ cho phép đối với môi trường <0,5µSv/h (theo quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng). Điều này cũng đồng nghĩa với việc sự cố này không ảnh hưởng đến môi trường và con người xung quanh, không gây thiệt hại nặng nề về kinh tế xã hội.

… đến việc chấn chỉnh công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ

Nhìn lại sự cố mất nguồn phóng xạ của công ty APAVE cho thấy, các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân đã xử lý một cách kịp thời và mang tính chuyên nghiệp cao đối với sự cố nguồn mất phóng xạ. Theo đó, đã kịp thời báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về sự cố mất nguồn trên quan điểm của Cơ quan pháp quy hạt nhân, chuẩn bị ngay phương án để hỗ trợ công tác tìm kiếm và thu hồi nguồn phóng xạ.

Trong năm 2014, Cục Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân cũng đã nhanh chóng phát hiện và xử lý tốt trong chức năng và thẩm quyền những sự cố và vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như vụ việc nguồn phóng xạ không giấy phép của Công ty TNHH Công nghiệp nặng Hyundai bị phát hiện và tạm giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất, phát hiện các nguồn phóng xạ chưa được khai báo cấp phép của Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ kiểm tra không pháp hủy dầu khí Việt Nam và Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và Kiểm định xây dựng – CONINCO… Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm nên đã ngăn ngừa được những rủi ro bức xạ đáng tiếc có thể xảy ra cho người dân và môi trường từ những sự việc nêu trên.

Trong năm 2014, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân cũng đã kiến nghị việc ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ, sửa đổi thông tư quản lý an ninh nguồn phóng xạ, đề xuất phương án kỹ thuật phục vụ giám sát an ninh nguồn phóng xạ di động và tổ chức để triển khai thực hiện nhiệm vụ này trong toàn quốc từ năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, thì sau sự cố mất nguồn phóng xạ của công ty APAVE, dù chưa gây ra những thiệt hại về người, môi trường và không đáng có về kinh tế nhưng không thể phủ nhận rằng nó vẫn để lại hậu quả nhất định về mặt tâm lý trong xã hội, đồng thời cũng một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý đảm bảo an toàn, an ninh tại các cơ sở sử dụng thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhằm tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực điện hạt nhân nói chung và nguồn phóng xạ nói riêng, cần chú ý một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về an toàn điện hạt nhân. Sau sự cố của công ty APAVE, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ bằng Chỉ thị của Bộ trưởng và tiến hành sửa đổi bổ sung Thông tư 23/2010/TT-BKHCN về quản lý an ninh nguồn phóng xạ, trong đó yêu cầu các nguồn phóng xạ di động có hoạt độ lớn sử dụng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp và khi vận chuyển phải có hệ thống giám sát an ninh. Tuy nhiên, từ thực tế các sự cố diễn ra trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có lĩnh vực điện hạt nhân phát triển, đồng thời rút kinh nghiệm từ các sự cố trước đó tại các nước để tiếp tục hoàn thiện các quy định về an toàn điện hạt nhân. Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các văn bản, các yêu cầu của quốc tế (nhất là IAEA và các nước đối tác) về an toàn, an ninh trong lĩnh vực này.

Hai là, cần tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ, an ninh các nguồn phóng xạ và tăng các chế tài xử phạt nặng hơn nữa đối với các đối tượng vi phạm. Theo đó, cần đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn và kiểm soát bức xạ, xử lý kịp thời, kiên quyết các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn và kiếm soát bức xạ. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra các biện pháp đảm bảo an ninh các cơ sở có nguồn phóng xạ, như các cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp... Bộ Khoa học và Công nghệ cần phân cấp cho các tỉnh thành đặc biệt là thành phố lớn để quản lý một cách tốt nhất các thiết bị, nguồn phóng xạ ứng dụng trong công nghiệp, y học và các ngành dịch vụ khác. Bên cạnh đó, tăng cường xử phạt và nâng mức chế tài xử phạt đối với các đối tượng nhằm tăng tính răn đe hơn nữa.

Ba là, điện hạt nhân là lĩnh vực nhạy cảm và có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định tới môi trường, sức khỏe con người và tâm lí xã hội trong trường hợp rủi ro hay gặp sự cố. Do đó, cần tăng cường công tác phổ biến kiến thức, nâng cao hiểu biết của người dân về ảnh hưởng của bức xạ tới sức khoẻ và môi trường, đồng thời cần tuyên truyền cách ứng phó cho người dân để cùng hợp tác, tham gia cùng với các cơ quan chức năng một cách hiệu quả khi có sự cố xảy ra. Có thể nói, bài học về sự cố mất nguồn phóng xạ của công ty APAVE thêm một lần nữa đặt ra vấn đề cần tích cực tuyên truyền và truyền thống nhiều hơn nữa về an toàn bức xạ, hạt nhân đến người dân, trong đó đảm bảo được các tiêu chí quan trọng trong truyền thông điện hạt nhân, đó là dân chủ, công khai và minh bạch, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của người dân đối với tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.