Tăng cường huy động nguồn lực tài chính duy trì vận hành mạng lưới quan trắc môi trường

PV

Tại Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 7/3/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ giao Bộ Tài chính tổng hợp từ đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương để thực hiện các nhiệm vụ của Quy hoạch.

Kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên của mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia phải cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy hoạch từ nay đến năm 2050.
Kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên của mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia phải cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy hoạch từ nay đến năm 2050.

Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư, bổ sung mới để hoàn thiện 31 trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục trên cả nước, trong đó bao gồm 06 trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng không khí nền tại 06 vùng kinh tế - xã hội.

Đồng thời, thiết lập, hoàn thiện mạng lưới các điểm quan trắc chất lượng môi trường không khí định kỳ trên cả nước, trong đó tập trung vào các vùng phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, đảm bảo việc đánh giá tác động tới môi trường không khí tại các khu vực phát triển công nghiệp và đông dân cư; thiết lập, hoàn thiện mạng lưới quan trắc tự động, liên tục chất lượng môi trường nước sông, hồ liên tỉnh tại các vị trí đầu nguồn, xuyên biên giới và các vị trí giáp ranh giữa các tỉnh.

Tiếp tục duy trì 19 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đã được vận hành; hoàn thành đầu tư, lắp đặt 18 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đang được triển khai tại các vị trí quan trắc được kế thừa từ quy hoạch trước.

Bên cạnh đó, xây dựng các mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt định kỳ tại dòng chính của các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; thiết kế, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường quốc gia, tích hợp toàn bộ hệ thống dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trong một hệ thống chung trên cả nước, thực hiện chia sẻ dữ liệu và công bố thông tin chất lượng môi trường của toàn bộ các điểm quan trắc chất lượng môi trường; tập trung hiện đại hóa và tăng cường năng lực cho các trung tâm xử lý dữ liệu quan trắc môi trường, triển khai một số mô hình chuyển đổi số bảo đảm thông tin đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao phục vụ cho công tác cảnh báo môi trường…

Về tầm nhìn đến năm 2050, một trong những mục tiêu là tăng cường đầu tư, mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và chất lượng nước tự động, liên tục, áp dụng các công nghệ quan trắc mới hướng tới thay thế dần các điểm quan trắc chất lượng không khí, nước mặt định kỳ bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí, chất lượng nước tự động, liên tục; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, các mô hình xử lý thông tin có sử dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai toàn diện mô hình chuyển đổi số trong việc quản lý, phân tích dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ cho hoạt động dự báo chất lượng môi trường…

Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp, và chỉ rõ nguồn lực thực hiện quy hoạch. Theo đó, bên cạnh các giải pháp về chính sách pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực tài chính..., Quy hoạch cũng đề cập đến giải pháp về hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, các mạng lưới quan trắc quốc tế để đưa các chương trình trao đổi kinh nghiệm, thông tin, dữ liệu quan trắc theo tiêu chuẩn quốc tế về thực hiện phân tích môi trường và các nội dung liên quan đến thực hiện quy hoạch quan trắc môi trường. Ví dụ như: mạng lưới quan trắc mưa axit Đông Á, mạng lưới không khí sạch, các chương trình quan trắc ô nhiễm xuyên biên giới (nước, không khí…)...

Trong đó, đối với giải pháp tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực tài chính, việc duy trì vận hành quan trắc được bố trí kinh phí chủ yếu từ nguồn ngân sách; đầu tư,  xây lắp, trang thiết bị khuyễn khích huy động tối đa nguồn tài chính từ các thành phần kinh tế để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và công nghệ hiện đại cho hoạt động quan trắc môi trường.

Đối với đào tạo, chuyển giao kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, huy động nguồn kinh phí từ các dự án quốc tế, dự án chuyển giao/hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và một phần từ ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm, các trung tâm phân tích môi trường, các trường đào tạo quan trắc môi trường. Mạng lưới các trạm quan trắc tự động, liên tục cần tiếp tục được mở rộng đầu tư theo quy hoạch mới đảm bảo mật độ dữ liệu quan trắc truyền về mạng lưới dữ liệu quốc gia đáp ứng yêu cầu kịp thời cảnh báo, dự báo diễn biến chất lượng môi trường.

Tăng cường bố trí nguồn tài chính cho công tác quan trắc môi trường, bao gồm hoạt động quan trắc môi trường định kỳ và các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục. Hoạt động quan trắc môi trường định kỳ cần bố trí thêm nguồn để các đơn vị quan trắc có thể tăng tần suất và các thông số quan trắc, đảm bảo phản ánh tốt hơn nữa hiện trạng chất lượng môi trường. Các trạm quan trắc chất lượng môi trường tự động, liên tục cần tập trung làm làm dày hơn nữa mạng lưới các trạm quan trắc, đồng thời đảm bảo nguồn lực (nhân sự, tài chính...) cho việc duy trì hoạt động các trạm.

Bố trí kinh phí đầu tư mạng lưới hạ tầng/phần mềm kết nối và truyền/nhận, xử lý, quản lý dữ liệu; duy trì hệ thống cung cấp thông tin, dữ liệu; duy trì vận hành hệ thống quản lý dữ liệu (bao gồm cập nhật dữ liệu, sửa chữa bảo dưỡng hệ thống).

Chính phủ giao Bộ Tài chính tổng hợp từ đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương để thực hiện các nhiệm vụ của Quy hoạch.

Nguồn kinh phí thực hiện Quy hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước bao gồm: nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế, nguồn vốn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, kinh phí thực hiện được huy động từ nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia góp vốn điều tra cơ bản tài nguyên nước theo hình thức công tư hoặc xã hội hóa khác.

Chính phủ lưu ý, kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên của mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia phải cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy hoạch từ nay đến năm 2050; đồng thời, không ngừng xây dựng, hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động quan trắc môi trường để lập kế hoạch hàng năm; đồng thời Quy hoạch cũng ban hành kèm theo Danh mục các chương trình, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện Quy hoạch tại Quyết định này.