Tỉnh Bạc Liêu:
Tăng cường kiểm soát dịch trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản
Theo Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, tỉnh hiện có có 62 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thủy sản xuất khẩu Thực hiện hướng dẫn về phòng, chống dịch tại nơi làm việc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, đầu tư máy sát khuẩn tay tự động.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19
Theo Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu để phòng chống dịch, những đơn vị có trên 300 công nhân thì bố trí khu cách ly tạm thời khi có người nghi nhiễm bệnh, xây dựng khu ăn, nghỉ tại chỗ cho công nhân thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, hoặc phân luồng đi lại trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, sau khi áp dụng thực hiện trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết 128, công tác kiểm tra không liên tục và đã xuất hiện một số doanh nghiệp thiếu quan tâm đến xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho người lao động, công nhân.
Hầu hết doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có lập tổ y tế, nhưng đội ngũ này chưa có chuyên môn cao, hoặc không có nhân viên y tế, dù Bộ Y tế cho phép doanh nghiệp thuê nhân viên y tế. Sau ổ dịch tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi (Bá Thảo) ở Phường 1 (TX. Giá Rai), tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chặt việc chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại tất cả các cơ sở sản xuất - kinh doanh.
Bạc Liêu có 62 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thủy sản xuất khẩu; trong đó, TX. Giá Rai có 30 và huyện Đông Hải có 2 công ty. Nhìn chung các doanh nghiệp chế biến thủy sản sử dụng rất đông công nhân, có thời điểm lên đến cả ngàn công nhân tại một nhà máy, nếu không may dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào nhà xưởng, xí nghiệp sẽ gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống và kiểm soát dịch của địa phương. Chính vì vậy, việc phòng dịch luôn phải được các công ty đặt lên hàng đầu trong thời điểm này.
Thực hiện sự chỉ đạo này, các doanh nghiệp thủy sản đều đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và được UBND cấp huyện phê duyệt. Phương pháp phòng, chống dịch COVID-19 cũng có điều chỉnh cho phù hợp với diễn tiến của dịch bệnh. Nếu trước tháng 10, các công ty chỉ cần lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 từ 10 - 20% số công nhân mỗi kỳ, thì hiện nay tỷ lệ này tăng lên 40 - 50%.
Các công ty cũng yêu cầu công nhân tuyệt đối không tiếp xúc người đến từ vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, rất cao. Đồng thời sắp xếp ca làm việc luân phiên giữa các nhóm công nhân, bố trí phòng cách ly tạm thời cho những trường hợp nghi nhiễm.
Ưu tiên tiêm vắc-xin mũi 2 cho công nhân
Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long (TX. Giá Rai) đang hoạt động 70% công suất, ảnh hưởng đến việc đáp ứng các đơn hàng đã ký với đối tác. Trước đó, có thời điểm công suất nhà máy chỉ đạt 40% do tác động của dịch COVID-19. Từ ngày 5/11, 99% công nhân của nhà máy được tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 2, thúc đẩy các khâu, bộ phận trong nhà máy “tăng tốc”.
Ông Trần Văn Diệu - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long, cho biết sau khi bao phủ vắc-xin mũi 2, đơn vị vẫn chia làm 5 đội sản xuất tách biệt nhau. Trong khi đó, chỗ sơ chế, thu mua thì doanh nghiệp đã thuê một xưởng sản xuất ở các cách xa địa bàn dân cư, sử dụng công nhân tại đó làm việc, hạn chế di chuyển. “Doanh nghiệp không vì tăng năng suất mà chấp nhận rủi ro do dịch COVID-19. Tất cả biện pháp phòng, chống dịch đều được đơn vị thực hiện”, ông Diệu chia sẻ.
Theo ông Ngô Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, địa phương đã yêu cầu các nhà máy chế biến thủy sản phối hợp với các ngành liên quan thành lập các tổ y tế tại chỗ để thường xuyên giám sát, kiểm tra sức khỏe công nhân. Đồng thời kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các công ty, xí nghiệp, nếu không đảm bảo thì kiên quyết cho dừng hoạt động. Đối với các đơn vị đủ điều kiện hoạt động thì phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ người lái xe, số lượng nhân viên, thường xuyên tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên.
Còn tại huyện Đông Hải, ngày 13/11, địa phương tổ chức lớp tập huấn thứ hai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 40 công nhân nhà máy thủy sản. Sau tập huấn, những công nhân này có thể thực hành lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho đồng nghiệp tại cơ sở. UBND huyện Đông Hải đánh giá, các doanh nghiệp sơ chế, chế biến thủy sản trên địa bàn thực hiện tốt việc đo thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang, xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ.
Tại “vùng đỏ” thị trấn Gành Hào, Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản xuất nhập khẩu Cà Mau - Chi nhánh Bạc Liêu cho công nhân tiêm đủ 2 liều vắc-xin được đến phân xưởng làm việc, còn lại thực hiện “3 tại chỗ”. Các doanh nghiệp ở vùng “vàng” và “cam” thì tự xét nghiệm sàng lọc 3 ngày/lần đối với 30% công nhân.
Mới đây, lãnh đạo UBND huyện Đông Hải đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 2 nhà máy sơ chế, chế biến thủy sản ở xã Định Thành. Qua đó cho thấy, các đơn vị này luôn đặt công tác phòng, chống dịch lên hàng đầu, vận động công nhân cam kết không tiếp xúc với người ngoài công ty. Hiện tất cả công nhân của 2 nhà máy trên đã được tiêm vắc-xin mũi 1.
Ông Nguyễn Trọng Hán - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải đề nghị UBND xã Định Thành ưu tiên tiêm vắc-xin mũi 2 cho công nhân của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn xã khi được phân bổ.
Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu: Công nhân phải được tiêm đủ 2 liều vắc xin và định kỳ xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải an toàn, mà muốn an toàn thì vắc-xin phải bao phủ cho công nhân đủ 2 mũi. Nhưng không phải đủ 2 mũi là an toàn tuyệt đối, mà doanh nghiệp phải thường xuyên xét nghiệm sàng lọc. Hiện nay, theo quy định, doanh nghiệp phải tự xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Song, để đảm bảo an toàn 100%, chính quyền địa phương phải cử các đội y tế kiểm tra, nhắc nhở và trực tiếp xét nghiệm để sàng lọc thêm. Trong vấn đề xét nghiệm, chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp về nhân lực và những nơi nào khó khăn thì sẽ hỗ trợ một phần bộ xét nghiệm.