Luật sư Nguyễn Đăng Tư - Công ty Luật TNHH TriLaw:
Tăng cường kiểm soát việc phát hành và dòng tiền từ trái phiếu doanh nghiệp
Trao đổi với Tạp chí điện tử Tài chính, Luật sư Nguyễn Đăng Tư - Công ty Luật TNHH TriLaw (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng cần tiếp tục kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp (DN), đồng thời tăng cường giám sát dòng tiền được huy động, tránh tình trạng lợi dụng chiếm đoạt tài sản như vụ việc Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, cá nhân liên quan thời gian vừa qua.
Phóng viên: Hiện nay, các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được đánh giá khá đồng bộ, hoàn thiện. Tuy nhiên, gần đây, vẫn xuất hiện các DN lợi dụng phát hành TPDN sai quy định. Theo ông, tại sao có tình trạng này?
Luật sư Nguyễn Đăng Tư: Từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu siết chặt tín dụng bất động sản, khiến các DN địa ốc gặp nhiều vấn đề về nguồn vốn. Từ đây, thị trường TPDN trở thành kênh huy động vốn quan trọng của các DN, đặc biệt là các DN bất động sản.
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2021, TPDN tiếp tục ghi dấu tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc với tổng giá trị đạt 595 nghìn tỷ đồng. Trước sự phát triển nóng của thị trường TPDN, việc quản lý hoạt động này cũng gặp không ít thách thức, dẫn đến nhiều DN lợi dụng, hay nói cách khác, sử dụng trái phiếu để “giải khát” cơn “khát vốn” của các DN.
Phóng viên: Sau vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, câu chuyện mạnh tay hơn trong việc chấn chỉnh hoạt động phát hành TPDN đang được đặt ra. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Đăng Tư: Trên thị trường TPDN hiện nay chủ yếu đối với trái phiếu không có bảo đảm, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ được thực hiện theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Vì thế, nhiều DN có tình hình kinh doanh không tốt, nguồn vốn không ổn định nhưng lại thực hiện việc phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao, thì rủi ro của nhà đầu tư rất lớn khi khả năng trả nợ của DN này rất thấp.
Trước tình hình đó, Nghị định số 153/2020 đã quy định chặt chẽ hơn về phát hành trái phiếu, trong đó nhấn mạnh mục đích phát hành, đồng thời thu hẹp đối tượng. Tuy nhiên, câu chuyện đơn vị thẩm định hồ sơ, giám sát hoạt động phát hành này có thẩm quyền tới đâu, giám sát thế nào mới quan trọng thì chưa nói rõ.
Tôi cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phát huy hơn nữa quyền lực của mình trong việc trở thành chốt chặn để kiểm soát hoạt động phát hành trái phiếu của các DN, cần kiểm tra giám sát hơn nữa về các DN nào đủ điều kiện, nếu không đủ điều kiện thì không duyệt và cấp phép phát hành.
Bên cạnh đó, việc giám sát dòng tiền được huy động để phát hành có đúng như trong đăng ký hồ sơ hay không hay chỉ là cơ cấu nợ, việc này cần phải thực hiện triệt để hơn nhằm tránh tình trạng lợi dụng chiếm đoạt tài sản như một số vụ việc vừa qua.
Phóng viên: Vậy, ông đánh giá như thế nào về động thái của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính trong việc quyết liệt chấn chỉnh hoạt động thị trường chứng khoán nói chung và thị trường TPDN nói riêng?
Luật sư Nguyễn Đăng Tư: Chính phủ luôn coi thị trường TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của DN theo chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng… Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát hành trái phiếu nhằm tăng cường huy động vốn của các DN theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lớn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì thế, trong những năm gần đây, nhiều quy định mới được Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành nhằm nâng “chất” TPDN.
Mới đây nhất, ngày 7/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN và đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, để bảo đảm thị trường TPDN hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn TPDN đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn TPDN, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Trước đó, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã nhiều động thái tích cực như: Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế cho thị trường TPDN; Thường xuyên khuyến cáo về rủi ro đối với nhà đầu tư; Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh trên thị trường TPDN... Tôi cho rằng, đây là những động thái kịp thời, đã giúp thị trường TPDN trong thời gian qua có những bước chuyển biến tích cực và có những dấu hiệu phát triển đúng định hướng.
Ngoài ra, sau vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và một số vụ việc trước đó, có thể khẳng định những động thái quyết liệt của Bộ Công an, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán, đặc biệt là hoạt động thị trường TPDN vận hành trong sạch, lành mạnh, giúp các thị trường này phát triển an toàn, bền vững hơn.
Phóng viên: Tình trạng các DN thuê các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán đứng ra phát hành TPDN trong như sự việc của Tân Hoàng Minh, theo ông, cần có biện pháp gì để ràng buộc trách nhiệm của các định chế tài chính này?
Luật sư Nguyễn Đăng Tư: Hiện nay, rất nhiều vụ phát hành TPDN có ngân hàng hỗ trợ phát hành. Tuy nhiên, đi sâu vào tìm hiểu thực tế, các ngân hàng này chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật như: nộp hồ sơ, nộp đơn, in ấn trái phiếu, rồi dùng hệ thống phòng giao dịch để bán trái phiếu...
Trong trường hợp này, cần lưu ý rằng, các ngân hàng hay công ty chứng khoán không đứng ra bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không đầu tư cũng như không phân phối cho các trái phiếu đó. Do vậy, các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán đó hoàn toàn không có trách nhiệm gì khi DN phát hành không còn khả năng trả nợ.
Rất khó để ràng buộc trách nhiệm của các định chế tài chính trước tình trạng này, khi các định chế tài chính cụ thể là ngân hàng chỉ thực hiện việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 và Giấy phép hoạt động của các ngân hàng. Các ngân hàng cũng chỉ chịu trách nhiệm đối với các dịch vụ đấy, còn đối với việc thanh toán nợ khi DN phát hành không còn khả năng thanh toán thì không thuộc trách nhiệm của các ngân hàng. Chính vì thế, các nhà đầu tư cần nắm rõ về vai trò của ngân hàng và có lẽ cũng cần phải có quy định liên quan đến quyền được thông tin của nhà đầu tư khi mua TPDN về vai trò của ngân hàng.
Phóng viên: Hiện nay, các chế tài xử phạt đã đủ sức răn đe chưa và theo ông tới đây cần có những giải pháp gì để giúp thị trường trái phiếu DN nói chung và hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ nói riêng ổn định, trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế?
Luật sư Nguyễn Đăng Tư: Phải nhắc lại một lần nữa, TPDN là một kênh huy động vốn hiệu quả và quan trọng cho các DN trong việc phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trước tình hình ngày càng nhiều những hành vi vi phạm gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư cũng như có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia thì việc đưa ra chế tài xử lý phải đủ sức răn đe là một trong nhữnggiải pháp giúp thị trường TPDN đi vào nền nếp.
Ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tiếp đó, ngày 31/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Các nghị định này đã quy định rất rõ các chế tài đối với hành vi vi phạm trong phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, có lẽ, các chế tài này dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Thực tế cho thấy, giá trị thu được từ các vi phạm pháp luật cao hơn rất nhiều so với mức xử phạt theo quy định của pháp luật nên nhiều DN bất chấp lách luật, chấp nhận chịu phạt hết lần này đến lần khác...
Do đó, để ngăn chặn các hành vi sai phạm trong lĩnh vực này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc tiếp tục rà soát, bổ sung thêm nhiều chế tài, giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường TPDN, tạo dựng niềm tin của các nhà đầu tư và phát triển hơn nữa thị trường đầy tiềm năng này.
Theo đó, cần tăng cường hơn nữa các chế tài xử lý theo hướng tăng nặng chế tài hành chính, bổ sung thêm các chế tài hình sự để có cơ sở áp dụng trong nhiều trường hợp, vụ việc nghiêm trọng, tạo đủ sức răn đe cho các DN đang có ý định thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh, mạnh việc thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong phát hành, mua bán, sử dụng nguồn vốn huy động vào đúng mục đích trong hồ sơ đăng ký...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!