Tăng cường năng lực trong nghiên cứu, thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon
Ngày 21/12/2023, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) phối hợp với Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức Hội thảo “Tổng kết dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật, hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Tô Nguyễn Cẩm Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật, hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam do Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á và được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 1289/QĐ-BTC ngày 16/6/2023.
Mục tiêu chính của Dự án là nâng cao năng lực cho Việt Nam trong nghiên cứu, đánh giá hiện trạng hệ thống pháp luật, hạ tầng cho việc thiết lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan, hướng tới thành lập và tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon theo quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/01/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn.
Dự án được thực hiện trong thời gian 5 tháng, bắt đầu từ tháng 8/2023 và kết thúc vào tháng 12/2023. Trong 5 tháng triển khai, Dự án đã tổ chức các cuộc hội thảo, trong đó tập trung vào các nội dung nghiên cứu lộ trình thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Hàn Quốc, kinh nghiệm triển khai tại một số nước châu Âu; đánh giá hiện trạng hạ tầng, đề xuất lộ trình thiết lập vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) tìm hiểu kinh nghiệm các nước, đánh giá hạ tầng triển khai. Ngày 6/12/2023, Vụ Pháp chế đã nhận được thông báo của Văn phòng Chính phủ trong đó tiếp tục giao Bộ Tài chính hoàn thiện thị trường các-bon tại Việt Nam, đảm bảo công khai minh bạch.
Tại hội thảo, kết quả nghiên cứu của Dự án đã được các đại biểu đã trình bày, bao gồm các đề xuất cho việc thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam; đánh giá nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo về thị trường các-bon và thiết lập, hoạt động của sàn giao dịch tín chỉ các-bon cho các cán bộ thuộc các bộ ngành và các tổ chức liên quan tới việc thiết lập thị trường các-bon trong nước. Các đại biểu cũng đã thảo luận về các bước tiếp theo của Dự án dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu đã được thực hiện.
Bà Nguyễn Hồng Loan – Công ty TNHH Kiến tạo Khí hậu Xanh (GreenCIC) nhận định, thị trường các-bon trong nước và sàn giao dịch tín chỉ các-bon là một khái niệm mới ở Việt Nam. Việc tăng cường năng lực là rất quan trọng và cần được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị để triển khai cùng với việc đánh giá và cải thiện trong giai đoạn vận hành thí điểm và vận hành chính thức.
Việc học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đã có sẽ giúp Việt Nam tránh được các bài học mà các hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) này đã phải đối mặt. Tuy nhiên, đây cũng nên là quá trình vừa học vừa làm và tự điều chỉnh.