Kinh nghiệm quản lý rác thải nhựa đại dương tại Nhật Bản và bài học cho Việt Nam
Thực tế những năm qua cho thấy, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là vấn đề môi trường nghiêm trọng, cấp bách và mang tính toàn cầu. Để quản lý hiệu quả vấn đề quản lý rác thải nhựa đại dương, việc tìm hiểu phương thức quản lý rác thải nhựa đại dương của cả nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản là điều cấp thiết, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Thấy gì từ kinh nghiệm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương của Nhật Bản?
Theo nghiên cứu của bà Trần Thị Tâm (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường), để giải quyết tình trạng gia tăng rác thải nhựa đại dương, Nhật Bản đã đưa ra các quy định, sáng kiến phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật khuyến khích lưu thông tài nguyên nhựa vào tháng 6/2021. Đạo luật này quy định các biện pháp luân chuyển tài nguyên nhựa ở các giai đoạn khác nhau của các sản phẩm bằng nhựa, từ thiết kế, sản xuất, bán và thu hồi đến tái chế nhằm thúc đẩy việc giảm thiểu, thu gom và tái chế chất thải nhựa.
Cùng với đó, Chính phủ đưa ra các hướng dẫn sử dụng, tiêu dùng đối với các sản phẩm nhựa ở giai đoạn thiết kế và sản xuất. Các sản phẩm nhựa được sản xuất theo hướng dẫn được Chính phủ chứng nhận, ưu tiên mua sản phẩm và hỗ trợ các cơ sở tái chế, khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ở giai đoạn phân phối, các cửa hàng bán nhỏ, lẻ sẽ giảm việc cung cấp các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ở giai đoạn thu gom và tái chế, khuyến khích các thành phố phân loại và thu gom rác thải nhựa và chuyển cho các doanh nghiệp tái chế để tái chế.
Nhằm phân loại, thu gom chất thải đã phân loại, tái chế thùng chứa và chất thải bao bì, từ năm 1995, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Tái chế bao bì. Theo đó, Đạo luật quy định trách nhiệm của các bên liên quan đối với hộp đựng và gói sản phẩm, các thùng và gói được chỉ định, chất thải bao bì và thùng chứa.
Người tiêu dùng có trách nhiệm phân loại rác; chính quyền đô thị có trách nhiệm thu gom rác đã phân loại; các doanh nghiệp có trách nhiệm tái chế rác. Đây là quy trình khép kín mang lại hiệu quả cao ở nước này.
Bên cạnh các chính sách trên, Nhật Bản cũng ban hành Chiến lược lưu thông tài nguyên nhựa với mục tiêu: Giảm tích lũy 25% lượng nhựa sử dụng một lần đến năm 2030; thiết kế việc tái sử dụng, tái chế vào năm 2025; tái sử dụng, tái chế 60% thùng chứa và bao bì vào năm 2030; sử dụng hiệu quả 100% nhựa đã qua sử dụng vào năm 2035; tăng gấp đôi việc sử dụng lượng tái chế vào năm 2030; tối đa hóa việc sử dụng nhựa sinh khối lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030...
Đồng thời, nước này cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương. Theo đó, Kế hoạch này xác định rõ các nội dung cần thực hiện gồm: (i) Thúc đẩy hệ thống quản lý chất thải phù hợp; (ii) Ngăn chặn việc xả rác, đổ rác bất hợp pháp và rò rỉ chất thải vô ý ra đại dương; (iii) Thu gom rác thải vương vãi trên đất liền; (iv) Thu gom rác thải nhựa trên đại dương; (v) Đổi mới trong việc phát triển các sản phẩm thay thế vật liệu; (vi) Hợp tác với các bên liên quan; (vii) Hợp tác quốc tế với các quốc gia bằng cách chia sẻ các phương pháp hay nhất; (viii) Nghiên cứu tình hình thực tế và sự phát triển của kiến thức khoa học.
Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương, một số địa phương của Nhật Bản đã tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý rác thải nhựa trên biển; sản xuất túi mua sắm tái sử dụng; ngừng cung cấp đồ uống đóng chai nhựa tại các cuộc họp của chính quyền và thay vào đó cung cấp đồ uống trong lon kim loại có thể tái chế hoặc lon làm bằng bìa cứng.
Bài học cho Việt Nam
Theo Nguyễn Thị Tâm, qua nghiên cứu quản lý rác thải nhựa ở Nhật Bản có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam cần rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ Nhật Bản.
Trong bối cảnh các nước trên thế giới hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam nên có cơ chế, chính sách khuyến khích lưu thông tài nguyên nhựa để giảm thiểu, thu gom và tái chế rác thải nhựa đại dương ở các vùng biển; đồng thời, nên có cơ chế thúc đẩy các sáng kiến xử lý tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên nghiên cứu xây dựng và triển khai Chiến lược, kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương theo giai đoạn hướng đến phát triển bền vững kinh tế đất nước. Theo đó, Chiến lược, kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, địa phương, nguồn lực thực hiện, trong đó huy động nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả tình trạng rác thải nhựa đại dương.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý rác thải nhựa đại dương, trong đó chú trọng việc chia sẻ thông tin, dữ liệu, phương pháp điều tra, đánh giá rác thải nhựa đại dương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để quản lý...