Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính nêu rõ, trên cơ sở Đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), đã tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, góp phần tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Để có được kết quả trên, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi, hội nghị, hội thảo về vấn đề này. Đồng thời, nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế, ngành Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).
Nhờ đó, tính từ ngày 21/3/2022 (thời điểm triển khai) đến thời điểm báo cáo, đã có 140.615 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, 69.465 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền trên 308 tỷ đồng; có 30 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) lớn (Microsoft, Facebook, Netflix; Samsung; TikTok; eBay,…) đăng ký, kê khai trên Cổng thông tin điện tử và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.
Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trao đổi, kết nối thông tin
Nhằm trao đổi, kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, Bộ Tài chính đã ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông; đã làm việc với Bộ Công an đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế.
Bộ Tài chính đang hoàn thiện xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước để triển khai các quy định về phối hợp giữa 2 cơ quan đã được quy định trong Luật Quản lý Thuế; Làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới, danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số, doanh nghiệp trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tài nguyên kho số. Đẩy mạnh việc rà soát, hoàn thiện xây dựng chính sách pháp luật có liên quan để đảm bảo căn cứ pháp lý thống nhất và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT...
Song song với đó, Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra, kiểm tra. Theo đó, đã phân công nhiệm vụ triển khai công tác kiểm tra đối với người nộp thuế bao gồm: 18 doanh nghiệp trong nước (6 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn TMĐT, 9 doanh nghiệp là trung gian thanh toán, 3 doanh nghiệp là Công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam) và 6 NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.588 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm, tốc độ thu bình quân giai đoạn 2018 - 2021 đạt 130%, đặc biệt tăng cao từ năm 2021, số thu năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020. Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước như: Facebook (2.099 tỷ đồng); Google (2.114,6 tỷ đồng); Microsoft (714 tỷ đồng)…
Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số, lũy kế hết tháng 8/2022, cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 1.082 tỷ đồng. Trong đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2022 tăng cao với 520,7 tỷ đồng tăng gấp 2 lần so với số thu năm 2021.
Tiếp tục các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT
Thời gian tới, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế để thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Đồng thời, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (NCCNN, Sàn TMĐT...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT (kết hợp cơ sở dữ liệu từ HĐĐT, TMĐT).
Ngoài ra, chú trọng triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung đối với NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT; tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp thông tin, xử lý dữ liệu lớn, hoạt động 24/7, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế...
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế tính từ khi triển khai dịch vụ eTax Mobile (ngày 21/03/2022) đến ngày 15/10/2022, đã có 212.600 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, số giao dịch qua NHTM là 91.581 giao dịch với tổng số tiền trên 353 tỷ đồng; đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netflix; Samsung; TikTok; eBay,…) đăng ký, kê khai trên Cổng thông tin điện tử và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.