Tăng cường thanh tra để chống thất thu thuế
Trong vòng hơn 1 tháng, Tổng cục Thuế liên tiếp có văn bản yêu cầu các cục thuế nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đề ra biện pháp khắc phục khó khăn để phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2017.
Thẳng thắn phê bình
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngay từ đầu năm Tổng cục Thuế đã có quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2017 cho các cục thuế địa phương. Đến 30/6, Tổng cục Thuế cũng đã phê duyệt kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp (DN) năm 2017 của 17 cục thuế.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19/2017/NQ-CP, Chỉ thị số 14/CT-TTg và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính tại cuộc họp giao ban về việc đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN), ngân sách trung ương 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã có các công văn đôn đốc, nhắc nhở, phê bình một số cục thuế triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đạt tỷ lệ hoàn thành thấp, một số cục thuế chưa đôn đốc nhập kết quả vào ứng dụng thanh tra.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra thuế những tháng đầu năm cho thấy, xét tổng thể, toàn ngành Thuế đã đạt trên 50% kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, xét từ góc độ từng địa phương thì vẫn còn nhiều địa phương đạt dưới 50% kế hoạch được giao.
Cụ thể, qua phân tích kết quả 6 tháng đầu năm 2017, có 29 cục thuế có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra từ 35% đến 45%, như: Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Long An, Lào Cai, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh…, trong khi đây đều là các địa phương được giao kế hoạch thanh tra, kiểm tra rất lớn.
Tổng cục Thuế đã có văn bản nhắc nhở các đơn vị này, trong đó lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các cục trưởng cần tập trung, tăng cường hơn nữa cho công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Thuế, ngoài số đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thanh, kiểm tra, còn có 12 cục thuế có tỷ lệ thực hiện dưới 35%, gồm các Cục Thuế: Lai Châu, Quảng Bình, Vĩnh Long, Bình Định, Lạng Sơn, Ninh Bình, Sóc Trăng, Điện Biên, Hà Nam, Hà Giang, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu. Với những đơn vị này, Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các cục trưởng nghiêm túc kiểm điểm lại công tác chỉ đạo, thực hiện trong việc triển khai kế hoạch, đồng thời phê bình lãnh đạo các cục thuế này cùng các đơn vị, bộ phận liên quan.
Vận dụng linh hoạt các chính sách, pháp luật
Triển khai kế hoạch những tháng cuối năm, tại các cuộc họp gần đây, lãnh đạo Tổng cục Thuế đều nhấn mạnh, nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra những tháng còn lại năm 2017 rất nặng nề, phải quyết liệt triển khai, đẩy mạnh tiến độ để đảm bảo mục tiêu kế hoạch thanh tra kiểm tra đạt 18% số DN đang hoạt động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Từ Tổng cục Thuế đến các cục thuế phải quyết tâm, dốc sức, nhưng cũng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật để thực hiện.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố rà soát lại kế hoạch thanh tra, nhiệm vụ kiểm tra để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, đảm bảo thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị có rủi ro về thuế theo đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, tập trung phân tích chuyên sâu để lựa chọn nội dung trọng tâm cần thanh tra, lựa chọn các DN có rủi ro cao về thuế, hoàn thuế, các DN nhiều năm chưa được thanh tra (về sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp, ưu đãi thuế, chuyển nhượng vốn, thương hiệu…) để thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế GTGT theo quy định.
Cơ quan thuế địa phương khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế cần vận dụng linh hoạt các hình thức quy định tại Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn để nâng cao năng suất và hiệu quả nhằm khai thác tăng thu cho NSNN. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách trên địa bàn trong các lĩnh vực: Chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án, khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên, kinh doanh viễn thông, điện, điện tử, ô tô, sữa, dược phẩm.