Tăng cường tính chủ động trong nâng cao năng suất

Tĩnh Đồng

Để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng tính cạnh tranh, bên cạnh chính sách hỗ trợ, bản thân các doanh nghiệp cũng phải nâng cao tính chủ động trong xây dựng mục tiêu, phương án.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa nhằm xây dựng được các mục tiêu rõ ràng để thúc đẩy nâng cao năng suất. Ảnh: Internet
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa nhằm xây dựng được các mục tiêu rõ ràng để thúc đẩy nâng cao năng suất. Ảnh: Internet

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa nhằm xây dựng được các mục tiêu và có phương án, chính sách rõ ràng để thúc đẩy nâng cao năng suất ở chính cơ sở sản xuất của mình.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng các mục tiêu và thiết kế các chính sách rõ ràng, xây dựng thể chế để tạo thuận lợi cho mọi doanh nghiệp. Khuyến khích và huy động các nguồn lực, dự án, có những sự kiện để thúc đẩy năng suất.

Tháng 4/2018, Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh được kiện toàn và bổ sung nhiệm vụ tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng suất lao động.

Do vậy, cơ chế này cần tiếp tục được tăng cường. Cụ thể, Việt Nam cần sớm có một cơ quan có thẩm quyền, có năng lực để thực hiện và giám sát các chính sách do Hội đồng quốc gia quyết định.

Cơ quan này cũng đào tạo và cung cấp các chuyên gia năng suất có năng lực, có kiến thức sâu rộng về các kinh nghiệm quốc tế, là người có thể truyền đạt các kiến thức cơ bản cho các công ty, công nhân và các chuyên gia mới một cách hiệu quả.

Các chuyên gia được đào tạo phải được khuyến khích đúng cách để tham gia vào các nhiệm vụ đóng góp cho công nghiệp hóa Việt Nam trong một thời gian dài.

Đồng thời, cơ quan này cần giám sát và tăng cường năng lực thực thi có hiệu quả các chương trình (đã được phê duyệt) hỗ trợ trực tiếp cho khu vực tư nhân, như các chương trình nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, chương trình thúc đẩy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Bên cạnh đó, cần khuyến khích sự gắn kết đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc liên kết hiệu quả giữa cơ sở đào tạo, trường dạy nghề với các doanh nghiệp là hết sức cần thiết để tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao, đúng chuyên ngành.

Cần đổi mới phương thức dạy và học, đồng thời đầu tư cho hạ tầng giáo dục, đặc biệt là giáo dục dạy nghề và đại học cũng như công nghệ thông tin và truyền thông.

Trong bối cảnh mới, để doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi về kỹ năng nghề mà cần có các kỹ năng mềm và hiểu biết về các công cụ năng suất, góp phần tạo ra nhiều ý tưởng, công nghệ và thương mại hóa công nghệ.

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo không chỉ là tiền đề cho phát triển kinh tế mà còn là chìa khóa cho tăng trưởng năng suất, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh và rất nhiều vấn đề khác.

Một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tốt sẽ không chỉ phát triển nhanh, mạnh mà còn phát triển bền vững và toàn diện. Đây là điều mà Việt Nam muốn hướng tới trong giai đoạn phát triển mới.