Tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP (2014, 2015), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu, đó là cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Ấn tượng những con số
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết ngày 31/7/2016, số người tham gia BHXH bắt buộc là 12.406.463, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 10.574.309, BHXH tự nguyện là 192.340 và BHYT là 72.990.801. Số thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN lũy kế 7 tháng đầu năm 2016 đạt 133.023,9 tỷ đồng (chưa tính 233,8 tỷ đồng tiền thu lãi chậm đóng BHXH, BHYT), tăng 18.690,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.
Toàn ngành BHXH đã giải quyết chế độ BHXH cho 5.058.587 lượt người, tăng 685.678 lượt so với cùng kỳ; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 77.640.540 lượt người, tăng 6.132.290 lượt so với cùng kỳ.
Số chi BHXH, BHYT tính đến hết tháng 7/2016 của toàn Ngành là 129.197,8 tỷ đồng (tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó, chi BHXH, BHTN là 91.844,1 tỷ đồng và chi khám, chữa bệnh BHYT 37.353,6 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ - CP (2014, 2015), công tác BHXH đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu như: rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính (TTHC) không còn phù hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Trong 2 năm (2014 và 2015), BHXH Việt Nam đã tái thiết kế quy trình nghiệp vụ của Ngành trên 5 lĩnh vực (thu, sổ thẻ, chính sách BHXH, chính sách BHYT, tài chính kế toán); rà soát lại các TTHC và đã giảm từ 263 TTHC xuống còn 33 TTHC.
Trong đó, đã giảm được 76% thành phần hồ sơ so với trước lúc cải cách TTHC; giảm 89% chỉ tiêu kê khai và 89% trình tự thao tác các thủ tục… Kết quả này mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng DN và người dân.
Nỗ lực tăng diện bao phủ
Ngày 6/9/2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng khẳng định mạng lưới an sinh xã hội của nước ta còn lạc hậu, BHYT chưa bao phủ đến toàn dân, BHXH mới đạt khoảng 23%-25%.
Thực trạng này đòi hỏi BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã đề ra nhằm tăng diện bao phủ BHYT và BHXH.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tăng số người tham gia BHXH, trước hết là đối với số lao động có hợp đồng lao động, vận động người không tham gia quan hệ lao động tham gia BHXH.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và bền vững Quỹ BHXH, trước hết là cân bằng thu - chi, gắn với lộ trình tăng phí BHYT, BHXH.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện kết nối các cơ sở khám chữa bệnh với BHXH. Bộ Y tế, BHXH Việt Nam khẩn trương hoàn thành các danh mục dịch vụ, thuốc, vật tư y tế sử dụng trong BHYT; đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn thay đổi nhận thức trước hết là đối với cán bộ y tế, tăng cường minh bạch và kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện kết nối, liên thông giữa khám chữa bệnh và BHYT.
Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết nối tại một số cơ sở khám chữa bệnh, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; lưu ý việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng.