Thị trường chứng khoán phái sinh:
Tăng khả năng phòng ngừa rủi ro cho thị trường chứng khoán và các lĩnh vực của nền kinh tế
Sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) không chỉ là bước kế tiếp nhằm hoàn chỉnh cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK), hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của TTCK cơ sở.
Phóng viên: Thưa ông, trước thời khắc TTCKPS ở Việt Nam sắp sửa được “ấn nút” khởi động, với tư cách là Chủ tịch HĐQT của HNX - đơn vị trực tiếp triển khai vận hành TTCKPS, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc ra đời TTCKPS đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung?
TSKH. Nguyễn Thành Long: Chúng ta vừa kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đánh dấu sự ra đời của ngành Chứng khoán Việt Nam.
Cho đến nay, TTCK Việt Nam đã vận hành được trên 17 năm, đã đạt được nhiều thành tựu, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đến nay, TTCK về cơ bản đã làm tròn vai trò huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua việc phát hành TPCP và hỗ trợ huy động vốn cho khu vực tư nhân thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu.
Mặt khác, TTCK còn là động lực thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và của nền kinh tế thông qua các quy định, nguyên tắc về quản trị công ty (QTCT), sự minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình.
Tuy nhiên, cho đến nay, TTCK Việt Nam vẫn còn non trẻ, chưa thực sự bền vững, chỉ số thị trường còn biến động mạnh, phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư, từ đó tác động ngược tới các chức năng huy động vốn cho nền kinh tế.
Để hạn chế tâm lý bất ổn, giúp nhà đầu tư yên tâm, giúp các tổ chức hoạt động trên TTCK có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro, đã đến thời điểm cho phép xây dựng và vận hành TTCKPS, thị trường của các sản phẩm phòng ngừa rủi ro.
Đặc tính của chứng khoán phái sinh (CKPS) cho phép các bên thực hiện giao dịch tài sản trong tương lai với một mức giá xác định từ trước, cho một thời gian xác định trước, giúp nhà đầu tư yên tâm về mức giá giao dịch đối với tài sản mình đang nắm giữ.
Vì vậy, việc phát triển TTCKPS là nhu cầu thiết yếu giúp đa dạng hóa sản phẩm trên TTCK và mở ra một lớp sản phẩm chứng khoán mới để phòng ngừa rủi ro. Việc thêm các công cụ giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro khi giá chứng khoán biến động sẽ củng cố lòng tin cho thị trường, giúp các tổ chức, cá nhân yên tâm hơn khi đầu tư vào TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Điều này không chỉ giúp thị trường tài chính phát triển thông qua việc gia tăng số lượng nhà đầu tư, gia tăng nguồn vốn đầu tư trên thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp dễ dàng phát hành chứng khoán, huy động vốn tốt hơn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Và quan trọng hơn, về lâu dài, TTCKPS không chỉ phục vụ riêng cho TTCK mà là công cụ hỗ trợ, gia tăng khả năng phòng ngừa rủi ro cho các ngành, lĩnh vực kinh tế nói chung.
Ngoài ra, sự hình thành TTCKPS - một phân mảng mới của TTCK, giúp hoàn thiện cấu trúc, bổ sung chức năng cho thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng (ngoài chức năng huy động, phân phối nguồn vốn, nay có thêm chức năng phân tán rủi ro) đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Mặt khác, khi TTCKPS phát triển không những sẽ thúc đẩy thị trường cổ phiếu phát triển mà còn thúc đẩy toàn diện quá trình tái cấu trúc TTCK.
Cụ thể: (i) Thúc đẩy quá trình tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư theo hướng gia tăng sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có trình độ hiểu biết về CKPS; (ii) Tác động tích cực đến tiến trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK).
Các TCKDCK đủ điều kiện tham gia TTCKPS sẽ tiếp tục phải nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng tiêu chí cao hơn về vốn, QTCT, quản trị rủi ro, nhân sự, hệ thống công nghệ, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhà đầu tư trên TTCK.
Cuối cùng, việc thiết lập khung pháp lý chính thức đối với TTCKPS sẽ đưa các sản phẩm, hoạt động giao dịch các CKPS dưới hình thức giao dịch thỏa thuận theo pháp luật dân sự đã xuất hiện trong thời gian vừa qua vào quản lý tập trung nhằm đảm bảo trật tự thị trường, công bằng, minh bạch và hướng tới lợi ích của nhà đầu tư, đặt biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
TTCKPS mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức phải đối mặt mà nhà đầu tư là chủ thể dễ bị chịu ảnh hưởng nhất. Để triển khai TTCKPS thành công và có sức sống lâu dài, ông có kiến nghị, đề xuất gì với cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ các thành viên thị trường và các nhà đầu tư trên TTCKPS?
TTCKPS tuy có những đặc thù riêng biệt so với thị trường cơ sở nhưng bản chất của nó vẫn thuộc phân mảng của TTCK. Vì vậy, muốn TTCKPS phát triển trước hết chúng ta phải quan tâm thúc đẩy phát triển TTCK cơ sở nhiều hơn nữa.
Trong đó, đặc biệt cần phải thay đổi lại tư duy rất lớn là coi TTCK là kênh huy động vốn chủ đạo, kênh tạo hiệu quả hoạt động cho nền kinh tế và từng bước sẽ chuyển tải bớt chức năng hiện nay mà hệ thống ngân hàng đang nắm giữ.
Chức năng của TTCKPS là không chỉ phòng ngừa rủi ro cho riêng TTCK mà sẽ phục vụ cho phòng ngừa rủi ro đối với tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế.
Vì vậy, cơ quan quản lý nên có lộ trình phổ cập kiến thức để công chúng hiểu rõ rằng TTCKPS phát triển không chỉ hỗ trợ cho bản thân TTCK mà hỗ trợ phòng ngừa rủi ro cho ngay cả các hoạt động tiền tệ, tỷ giá, lãi suất cho hệ thống ngân hàng hay cho những nhà xuất nhập khẩu, sản xuất hàng nông sản. Nhà đầu tư được hỗ trợ ở cấp độ cao hơn là phục vụ cho cả các lĩnh vực kinh doanh khác của nền kinh tế.
Một vấn đề khá lớn cần nhắc đến ở đây đó là TTCKPS phát triển hay không còn phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư. Hay nói cách khác, nhà đầu tư là một chủ thể không thể thiếu khi vận hành TTCKPS.
Do đó, trong thời gian qua, cơ quan quản lý, các SGDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK) đã đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TTCKPS với đối tượng không chỉ là người hành nghề hay các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán mà chủ yếu hướng tới đông đảo công chúng đầu tư, giúp nhà đầu tư trang bị được đầy đủ kiến thức khi tham gia vào thị trường mới mẻ đầy phức tạp này.
Tuy nhiên theo tôi, công tác đào tạo trong thời gian qua tập trung hướng đến chi tiết kỹ thuật để giao dịch, để vận hành sản phẩm của TTCKPS. Có lẽ trong thời gian tới, cần khảo sát để nắm bắt được nhu cầu về đào tạo mà nhà đầu tư mong muốn.
Có khi những nội dung cơ bản nhất lại là điều nhà đầu tư hiện nay cần biết. Ví dụ như: Họ sẽ thu được lợi nhuận như thế nào? Cơ chế tạo lợi nhuận ra sao? Rủi ro trong giao dịch mà họ sẽ gặp phải ở mức độ nào? Cách phòng tránh rủi ro ra sao?… Ngoài nội dung đào tạo thì chủ thể đào tạo cũng cần phải được mở rộng.
Nói ở góc độ khác thì trách nhiệm đào tạo nhà đầu tư nên được gắn với các công ty chứng khoán (CTCK), bởi vì hơn ai hết, CTCK cần phải nỗ lực tìm kiếm và thuyết phục khách hàng tham gia đầu tư trên TTCKPS, cần phải đào tạo, hướng dẫn cho khách hàng hiểu rõ hơn về bản chất của sản phẩm CKPS, từ đó giúp nhà đầu tư xác định được lợi nhuận cũng như phòng chống rủi ro.
Chính vì vậy, trong công tác đào tạo về CKPS cho các nhà đầu tư cần phải có sự thay đổi theo hướng sau: Thứ nhất, cần phải nhấn mạnh hơn nữa vai trò của CTCK đối với công tác đào tạo để xây dựng cơ sở nền khách hàng của mình.
Điều này có nghĩa là chúng ta nên yêu cầu các CTCK tham gia tích cực hơn nữa trong công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ cập kiến thức về CKPS cho nhà đầu tư thông qua việc thăm dò, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Cơ quan quản lý và các SGDCK, TTLKCK luôn ở vị trí hỗ trợ cho hoạt động này.
Thứ hai, khi xây dựng chương trình đào tạo về CKPS và TTCKPS ra công chúng nên tìm hiểu xem nhà đầu tư muốn nghe cái gì, tìm hiểu về vấn đề gì để từ đó xây dựng nên một chương trình đào tạo sát với thực tế.
Nhân đây, xin ông chia sẻ những kỳ vọng của mình về sự phát triển của TTCKPS trong thời gian tới?
Ở góc độ cơ quan quản lý khi đưa một vấn đề mới ra thị trường đều có mục tiêu dài hạn và đều xây dựng những ý đồ chiến lược rõ ràng. Tuy nhiên, một thị trường mới với các sản phẩm mới vẫn cần thời gian để công chúng làm quen. Đối với TTCKPS, có thể thời gian cần để nhà đầu tư chấp nhận không loại trừ sẽ ngắn hơn TTCK cơ sở vì các lý do sau: Một là, nền tảng nhà đầu tư đã vững vàng và lớn hơn rất nhiều.
Hiện nay với hơn 1,7 triệu nhà đầu tư và họ đã quen dần với văn hóa đầu tư trên TTCK. Các nhà đầu tư trên TTCK hiện nay đã có khoảng thời gian dài đầu tư trên TTCK cơ sở, đã trải nghiệm những thăng trầm, rung lắc của thị trường này và cũng đã thấy cần thiết có các sản phẩm để bảo vệ lợi nhuận trên TTCK cơ sở, đó chính là sức cầu tạo nền tảng rất tốt để thúc đẩy sự phát triển TTCKPS. Tuy nhiên, cơ quan quản lý phải có các biện pháp quản lý, giám sát phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Hai là, nền tảng định chế trung gian đã có và tốt hơn so với thị trường cơ sở. Điển hình là TTCKPS chuẩn bị khai trương đi vào hoạt động đã có 8 CTCK lớn, tài chính lành mạnh và cơ sở khách hàng ổn định cùng với hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng.
Ba là, nhận thức của nhà đầu tư, nhận thức của cơ quan quản lý, tổ chức trung gian về sản phẩm CKPS chắc chắn tốt hơn so với thời điểm năm 2000 khi TTCK Việt Nam mới đi vào hoạt động.
Có thể nói, ba yếu tố này sẽ giúp cho quãng thời gian phát triển thị trường TTCKPS có thể ngắn hơn so với thời gian chúng ta thúc đẩy phát triển TTCK cơ sở. Theo chúng tôi, TTCKPS có thể phát triển rất nhanh nhưng thông thường một sản phẩm mới được đưa ra thị trường, để được nhà đầu tư chấp nhận cũng cần có thời gian.
Tất nhiên, nếu như sản phẩm đấy mà đáp ứng được 3 tiêu chí sau: (i) dễ dàng hoạt động giao dịch (tương tự giao dịch trên TTCK cơ sở); (ii) khả năng tạo lợi nhuận rõ ràng; và (iii) khả năng kiểm soát rủi ro tốt… sẽ giúp cho nhà đầu tư tiếp cận thị trường và sản phẩm này nhanh hơn, không ngoại trừ TTCKPS sẽ phát triển nhanh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!