Tăng liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, tìm đột phá từ kinh tế biển
Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng vào ngày 5/2 tới đây.
Dự kiến, khoảng 800 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW , từ đó, tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thông tin trên được nêu tại Họp báo giới thiệu về Hội nghị diễn ra sáng 1/2 tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì.
Với chủ đề “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững”, Hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn cụ thể hóa nghị quyết bằng các nguồn lực triển khai thực hiện cụ thể thông qua hình thức xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề: “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững” cũng sẽ được tổ chức trong ngày 05/02/2023, nhằm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất, con người và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, khắc họa những nét đẹp tiêu biểu tình yêu quê hương, đất nước thông qua các hình ảnh về sản xuất, đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của Vùng.
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là Chiến lược phát triển bền vững về kinh tế biển.
Cũng trong khuôn khổ họp báo, Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin thêm, Chương trình hành động cũng nhằm thể hiện được định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đạt các mục tiêu đề ra.Để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: (1) Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị;(2) Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; (3) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; (4) Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; (5) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; (6) Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội vùng; (7) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; (8) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và cơ hội cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW sẽ góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Dự kiến, tại Hội nghị, sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, sẽ ký biên bản cam kết của 45 dự ân với tổng vốn khoảng 17 tỷ USD với 7 đối tác: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cơ quan phát triển Pháp (AFD), Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korean Eximbank), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Ngân hàng thế giới (WB), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, nông thôn nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu… Dịp này, Ban tổ chức cũng trao chứng nhận đầu tư cho 16 dự án với tổng vốn 5,6 tỷ USD cùng với việc trao Thỏa thuận biên bản ghi nhớ cho 5 dự án với số vốn khoảng gần 100 triệu USD.
Giải đáp thắc mắc của báo chí, Thứ trưởng Đông bổ sung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đặt quyết tâm sẽ xong Quy hoạch vùng vào năm 2023, đề xuất một số giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của vùng, trong đó có việc hình thành một số trung tâm năng lượng lớn, nâng cao hiệu quả khu kinh tế ven biển, hình thành cụm công nghiệp liên ngành, phát triển ngành nuôi yến chất lượng cao, nâng cao giá trị khai thác cá ngừ cũng như hoàn thiện hạ tầng trọng yếu về giao thông, về công nghệ số, về nhân lực và logictics…
Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được huy động; nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội được khơi thông, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta, phát huy những tiềm năng, lợi thế của Vùng và từng địa phương cho phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá. Những hạn chế, bất cập này cần được khắc phục; đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; huy động, phát huy những tiềm năng, lợi thế của Vùng và các địa phương trong Vùng sẽ là “dư địa”, là cơ hội để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển nhanh, bền vững xứng đáng với vai trò vị trí chiến lược của Vùng.