Tăng tính bền vững cho thu ngân sách địa phương
(Tài chính) Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) quy định rõ NSNN là thống nhất, bao gồm ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP). Cũng theo Luật NSNN, được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản liên quan, giữa NSTW và NSĐP có sự phân chia nguồn thu và nhiệm vụ chi, đồng thời NSĐP không được phép bội chi.
Tuy nhiên, thu NSĐP hiện đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế mà nổi bật nhất là tính bền vững không cao trong các nguồn thu của NSĐP, theo đó hạn chế khả năng tăng thu, nguồn thu không ổn định và quy mô thu chưa gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến lượt mình, do nguồn thu hạn hẹp và cơ cấu thu chưa hợp lý lại làm giảm cơ hội và khả năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do những khoản thu NSNN quan trọng như thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành,... đều thuộc về NSTW nên những khoản thu 100% của NSĐP đều có quy mô nhỏ và hay biến động. Trong đó chủ yếu là thu từ đất đai trong khi sự phát triển của thị trường bất động sản và quy định về giá đất còn nhiều bất cập.
Kết quả tất yếu là mặc dù tỷ trọng thu NSĐP chiếm khoảng một nửa tổng thu NSNN hằng năm, song vẫn thấp xa so với nhu cầu chi NSĐP nên có tới hơn 5/6 tỉnh, thành phố trên cả nước không có số thu điều tiết về NSTW và được giữ lại toàn bộ nguồn thu phân chia giữa NSTW và NSĐP nhưng cũng không đủ để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN trên địa bàn mà phải thường xuyên nhận bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu từ NSTW với quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Thu NSĐP thiếu tính bền vững trở thành mảnh đất màu mỡ cho cơ chế xin - cho, giảm sự chủ động tích cực của địa phương, đồng thời tăng sự phụ thuộc và ỷ lại vào trung ương. Hơn nữa, do buộc phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ đất nên không ít chính quyền địa phương thay vì thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh lại tập trung khai thác nguồn thu từ đất tới mức tận thu, thậm chí chấp nhận vi phạm quy định về quản lý đất đai trong khi nguồn lực này không phải là vô hạn và ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Tăng tính bền vững thu NSĐP là yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của cả nước. Tính bền vững thu NSĐP chỉ được bảo đảm và nâng cao khi gắn với tiến trình phân cấp quản lý kinh tế - tài chính giữa trung ương và địa phương nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương, đồng thời gắn quyền hạn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý NSNN đi đôi với hoàn thiện bộ máy các cấp chính quyền địa phương.
Các khoản thu phân chia giữa NSTW với NSĐP và các khoản thu 100% của NSĐP cần được điều chỉnh lại để một mặt tăng tính bền vững thu NSĐP, mặt khác tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa thu NSĐP với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó. Những nội dung này cần được thảo luận và thể hiện rõ trong dự thảo Luật NSNN sửa đổi.