Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế:

Tăng tính minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư


Hiện nay, các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng theo những cách thức khác nhau, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN) niêm yết cũng như nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng đòi hỏi các DN Việt Nam thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc để tăng uy tín, niềm tin từ các nhà đầu tư vào DN niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Cần thiết cho DN niêm yết

Các chuẩn mực Báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (IFRS- International Financial Reporting Standards) là một bộ chuẩn mực kế toán được thiết kế và phát triển bởi một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được gọi là Hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB). Mục tiêu của IFRS là cung cấp một khung khổ quốc tế về cách lập và trình bày BCTC cho các công ty đại chúng. IFRS tập trung vào các hướng dẫn, diễn giải chung nhất về cách lập BCTC, bộ chuẩn mực này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và các kiểm toán viên góc nhìn toàn cảnh và rõ ràng về tài chính.

Hiện nay, tất cả các tổ chức quốc tế có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới gồm như G20, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hội đồng Ổn định Tài chính Quốc tế (FSB) và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) đều ủng hộ và hỗ trợ các quốc gia áp dụng IFRS trên toàn cầu.

Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế giúp tăng tính minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào các DN niêm yết trên TTCK
Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế giúp tăng tính minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào các DN niêm yết trên TTCK
 

Từ thực tiễn trên, triển khai nhiệm vụ xây dựng “Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam” tại Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019, cũng như tại Quyết định số 242/QĐ- TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, phải thực hiện chuẩn mực quốc tế với BCTC nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Bà Trần Anh Đào- Phó Tổng giám đốc Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết: xuất phát từ thực tiễn yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do, trong đó khuyến khích các dòng vốn đầu tư, nhất là của tư nhân để phát triển kinh tế, đến nay Bộ Tài chính đang tiến hành các bước hoàn thiện dự thảo “Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam”. Để việc áp dụng IFRS tại Việt Nam đạt hiệu quả, cần có sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, các hội nghề nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc thực hiện các nội dung về xây dựng và triển khai thực hiện.

Bà Đào cho biết thêm, hiện nay rất nhiều DN đang niêm yết trên HOSE có mô hình hoạt động dưới hình thức công ty mẹ - công ty con; công ty liên doanh; liên kết… là các đối tượng DN phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Vì vậy, việc lập Báo cáo tài chính theo tiêu chuẫn IFRS sẽ giúp phản ánh hợp lý giá trị của DN, giúp tăng tính minh bạch và tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào các DN niêm yết trên TTCK.

Áp dụng IFRS còn tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Số lượng các công ty đa quốc gia tại Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, vì các DN này sẽ giảm bớt chi phí chuyển đổi BCTC được lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam sang chuẩn IFRS để hợp nhất với công ty mẹ ở nước ngoài.

Tăng tính minh bạch và tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Việt Nam đang trong quá trình cải cách hành chính và thể chế một cách mạnh mẽ, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên sôi động, nhu cầu các DN Việt Nam niêm yết hoặc thu hút vốn trên thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng. Đặc biệt, thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng đang có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế trong giai đoạn mới cần đẩy nhanh hoàn thiện khung khổ pháp lý về kế toán, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, cũng như công cuộc cải cách ở Việt Nam.

Ông Trịnh Đức Vinh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Kế toán và Kiểm toán của Bộ Tài chính chia sẻ: thị trường tài chính Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, ngày càng thu hút nhiều các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Việc áp dụng chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế vào Việt Nam là rất cần thiết trong việc giúp các công ty tăng cường tính minh bạch, hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư từ đó duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đề án áp dụng IFRS đã được giới thiệu và lấy ý kiến công chúng từ tháng 4 năm 2019. Theo đó, lộ trình thực hiện như sau: Các DN tự nguyện lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS từ năm 2022- 2025 và sẽ bắt buộc thực hiện sau năm 2025.

Để giải quyết những thách thức mà DN sẽ đối mặt, ông Trần Trọng Hải – Trưởng phòng Công nghệ và Tài chính – Deloitte Consulting cho rằng,  DN cần áp dụng mô hình hệ thống đa sổ kế toán (multiple ledger) tích hợp sổ kế toán IFRS (Leading Ledger) và sổ kế toán VAS (Non- leading ledger) là giải pháp quản trị tài chính hiện đại cho DN.

Ngoài ra, DN cũng cần áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa trong kế toán nhằm hỗ trợ DN trong việc giảm chi phí, nâng cao trải nghiệm khách hàng, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, gia tăng độ chính xác trong công việc và nâng cao năng suất người lao động.