“Tăng tốc” cải cách hành chính thuế, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Thùy Linh

Tổng cục Thuế vừa công bố kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 với mục tiêu đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ số và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Kế hoạch này nhằm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính.

 Tổng cục Thuế sẽ tập trung cải cách thể chế tài chính, nâng cao chất lượng thể chế theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập.
Tổng cục Thuế sẽ tập trung cải cách thể chế tài chính, nâng cao chất lượng thể chế theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập.

Đồng bộ cải cách, hướng tới chính phủ điện tử

Tổng cục Thuế đặt trọng tâm vào việc triển khai đồng bộ các hoạt động cải cách thể chế, thủ tục hành chính và phát triển Chính phủ điện tử. Việc số hóa hệ thống thuế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ loại bỏ các rào cản hành chính, hạn chế lợi ích nhóm, huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Các sáng kiến mới sẽ được triển khai với phương châm lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả cải cách.

Tổng cục Thuế tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cho Chính phủ và Bộ Tài chính về cải cách tài chính công nhằm xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, ổn định, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế sẽ tập trung cải cách thể chế tài chính, nâng cao chất lượng thể chế theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Các giải pháp này nhằm tăng cường hiệu lực thi hành pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp và cá nhân.

Một trong những trọng tâm của Kế hoạch là cắt giảm và đơn giản hóa tối thiểu 20% quy định hành chính liên quan đến kinh doanh, đồng thời giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tổng cục Thuế đặt mục tiêu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được luân chuyển điện tử giữa các cơ quan có thẩm quyền; 80% thủ tục hành chính có nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, với tối thiểu 30% giao dịch thực hiện qua hình thức này; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực được số hóa; Mức độ hài lòng của doanh nghiệp, người dân về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng nhân sự

Năm 2025, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Việc phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế sẽ được đẩy mạnh nhằm tăng tính tự chủ và trách nhiệm của các đơn vị.

Ngành Thuế cũng chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu của nền hành chính hiện đại.

Việc áp dụng công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng cục Thuế. Theo kế hoạch, 90% hồ sơ công việc sẽ được xử lý trên môi trường điện tử (trừ hồ sơ mật).

Hệ thống thuế sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp xác thực định danh điện tử VNeID để nâng cao tính chính xác và thuận tiện trong các giao dịch. Đồng thời, các nền tảng kỹ thuật số sẽ đảm bảo sự liên thông dữ liệu giữa cơ quan thuế với các tổ chức liên quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận dịch vụ công thuận lợi hơn.

Tổng cục Thuế nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả thực hiện. Việc giám sát, đánh giá tiến độ cải cách sẽ được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo các mục tiêu đề ra đạt được một cách thực chất.

Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 của Tổng cục Thuế không chỉ hướng tới sự hiện đại hóa mà còn đặt nền tảng cho một nền tài chính minh bạch, công khai và hiệu quả. Những cải cách này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế.