Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án giao thông trọng điểm

Trần Thị Ánh Hồng - Phòng Tài chính đầu tư trung ương, Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính)

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược. Từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án, sớm đưa các dự án giao thông trọng điểm vào vận hành và phát huy hiệu quả.

Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án quan trọng

Đến nay, danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải do Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện là 40 dự án/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không. Các dự án đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố.

Tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 được cân đối bố trí thực hiện các dự án là 420.293,2 tỷ đồng, chiếm 57,3% tổng số vốn bố trí cho ngành giao thông vận tải của cả nước (khoảng 723.867 tỷ đồng). Trong đó, từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 357.862,3 tỷ đồng; từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 là 13.796 tỷ đồng; từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2022 là 40.480 tỷ đồng.

Lũy kế vốn ngân sách trung ương đã bố trí cho các dự án trong kế hoạch hằng các năm 2021-2024 đến nay là 242.410,7 tỷ đồng, trong đó thuộc kế hoạch năm 2024 là 79.146,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương (chiếm 40,13% tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 cả nước). Như vậy, số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa được giao kế hoạch năm để thực hiện là rất lớn (khoảng 177.882,5 tỷ đồng), trong đó có 22.181 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 chưa được giao kế hoạch trung hạn.

Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương sử dụng 17.500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 để bổ sung cho các dự án trên. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách trung ương, sau khi được Quốc hội thông qua, một số địa phương đang triển khai cơ chế thí điểm làm cơ quan chủ quản và được bố trí vốn ngân sách để địa phương tham gia thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đi qua địa bàn.

Đến nay, số vốn ngân sách địa phương được các địa phương cam kết bố trí trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc thuộc danh mục các dự án trọng điểm là 72.332,3 tỷ đồng, đưa tổng số kế hoạch vốn ngân sách địa phương bố trí cho các dự án dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải trong giai đoạn này là 108.924,6 tỷ đồng.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nói riêng, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát các quy trình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước. Hiện nay, quy trình giải ngân đã được đơn giản hóa về thủ tục và rút ngắn thời gian thanh toán vốn, trong đó thời hạn thanh toán vốn tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành theo hình thức thanh toán trước, kiểm soát sau chỉ trong thời hạn 01 ngày làm việc; thời hạn thanh toán khối lượng hoàn thành (chiếm 20% giá trị hợp đồng còn lại) chỉ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra phân bổ kế hoạch vốn đầu tư hàng năm để có ý kiến kịp thời đối với các nội dung phân bổ chưa đúng quy định, chưa đủ điều kiện kiểm soát giải ngân để các bộ, địa phương có sơ sở để hoàn thiện công tác phân bổ theo đúng quy định. Kho bạc Nhà nước đã cơ bản thực hiện thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của các chủ đầu tư. Đồng thời, kịp thời phê duyệt kế hoạch vốn trên hệ thống Tabmis cho các dự án đủ điều kiện phân bổ để sớm giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Ngay trong những tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, nhập dự toán để phục vụ giải ngân ngay sau khi kế hoạch vốn được cấp thẩm quyền giao. Hằng tháng, Bộ Tài chính kịp thời tổng hợp tình hình giải ngân của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó chi tiết từng dự án giao thông trọng điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác điều hành, trong đó đã tổng hợp, báo cáo rõ các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm. Để Bộ Giao thông vận tải và các địa phương nắm bắt được tình hình giải ngân vốn của từng dự án làm cơ sở để triển khai các giải pháp chỉ đạo, đôn đốc, Bộ Tài chính đã công khai chi tiết tình hình giải ngân 03 tháng năm 2024 của từng dự án tới Bộ Giao thông vận tải và các địa phương.

Chủ động rà soát cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3563/BTC-ĐT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 96/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về chế độ, biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, các vướng mắc (nếu có) và đề xuất các giải pháp xử lý.

Để chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng vốn tạm ứng theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP, thực hiện Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, trên cơ sở kết quả kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng vốn tạm ứng, việc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn nguồn ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính thực hiện tại 05 bộ và 09 địa phương trong năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Phiên họp lần thứ 11 Ban Chỉ đạo Nhà nước: “Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến các khoản vay ODA cho các dự án đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Mỹ An - Cao Lãnh”, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng - Thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước đã chủ trì Hội nghị với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh, các chủ đầu tư về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục các khoản vay ODA cho các dự án. Hội nghị đã làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong từng quy trình, thủ tục của từng dự án; làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính cũng như của từng Bộ, ngành, địa phương trong từng khâu. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị các bộ, địa phương, chủ đầu tư các giải pháp, lộ trình thực hiện các công việc tiếp theo để xử lý triệt để khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án.

Tình hình giải ngân các dự án giao thông trọng điểm hiện nay

Hiện nay, các địa phương có dự án giao thông trọng điểm đang tích cực triển khai và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Về công tác chuẩn bị đầu tư, TP. Hồ Chí Minh đã rà soát, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bình Phước đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Dương và Bộ Giao thông vận tải đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dầu Giây - Tân Phú. Trong đó, đã trình Hội đồng thẩm định liên ngành 03 dự án (Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình theo hình thức PPP).

Về vật liệu xây dựng, với các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nguồn cung cấp vật liệu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Với các dự án khu vực phía Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ và điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án, đáp ứng tiến độ thi công.

Về công tác triển khai thi công, Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Chơn Thành - Đức Hòa, tiến độ cơ bản bám sát kế hoạch. Đối với các dự án Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Thời gian tới, khi mặt bằng và vật liệu xây dựng được tháo gỡ, các chủ đầu tư, nhà thầu sẽ tăng tốc để bù tiến độ bị chậm.

Các dự án thành phần 2 và 3 của dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất; dự án Bến Lức - Long Thành đang triển khai bám sát tiến độ. Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang tiến hành chạy thử và hoàn thiện các thủ tục liên quan, dự kiến sẽ khai thác thương mại vào tháng 7/2024. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên tiếp tục chạy thử để phục vụ việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, dự kiến sẽ khai thác thương mại vào quý IV/2024.

Về công tác giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024, đến ngày 13/6/2024, tổng số vốn đã giải ngân của các dự án giao thông trọng điểm là 27.059,5 tỷ đồng, đạt 25,08% kế hoạch năm 2024 được giao, trong đó ngân sách trung ương là 24.876,9 tỷ đồng (đạt 31,43%) và ngân sách địa phương là 2.182,6 tỷ đồng (đạt 7,5%).

Đến nay, cả nước đã hoàn thành 674 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên 2.001 km, trong tháng 6/2024 sẽ có thêm 19 km đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Các dự án hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp mới, làm tăng giá trị đất đai, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, củng cố, tăng cường sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.

Bên cạnh những thành tích đạt được, còn một số khó khăn, vương mắc tác động làm chậm giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn chậm do các khó khăn về xác minh nguồn gốc đất ở, khiếu nại về đơn giá, việc di dời đường điện cao thế với yêu cầu kỹ thuật cao còn chưa đạt tiến độ đề ra, công tác chuyển mục đích sử dụng rừng còn kéo dài… nhất là tại các địa phương: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang. Một số dự án do các vướng mắc về giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu nên tiến độ triển khai thi công còn chưa đạt kế hoạch đề ra như dự án Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa-Vũng Tàu, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật tại một số dự án còn chậm. Thực tế triển khai thực hiện đầu tư thời gian qua cho thấy, thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch trung hạn kéo dài. Đặc biệt, việc phân bổ, giải ngân nguồn tăng thu, tiết kiệm chi rất chậm. Nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021, đến năm 2024 mới trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch năm; nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 mới giao được 19.499 tỷ đồng/41.680 tỷ đồng kế hoạch trung hạn và tiếp tục giao trong năm 2024, 2025, trong đó mới giao được 4.540,331 tỷ đồng kế hoạch năm 2024.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương của các dự án đạt được là khả quan. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương đạt rất thấp (7,5%). Có tới 22 dự án, dự án thành phần chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 hoặc có tỷ lệ giải ngân rất thấp, dưới 5% kế hoạch.

Giải pháp tăng tốc giải ngân các dự án giao thông trọng điểm

Để sớm đưa các dự án giao thông trọng điểm vào vận hành, phát huy hiệu quả, cần triển khai đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để xử lý, giải quyết kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, cụ thể:

Một là, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 28/5/2024, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các địa phương Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang.

Hai là, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc di dời các công trình kỹ thuật giao chéo đường cao tốc.

Ba là, về vấn đề vật liệu xây dựng cho các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long và vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải chủ động, tích cực hơn nữa tìm nguồn cung ứng cát, vận dụng các điều kiện cho phép để giải quyết dứt điểm thiếu nguồn cung.

Bốn là, các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường đối thoại với người dân, thăm hỏi, động viên, vận động người dân ủng hộ việc thi công "3 ca, 4 kíp", bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; đồng thời nghiên cứu thời gian thi công phù hợp để tác động thấp nhất tới cuộc sống người dân.

Năm là, về thủ tục đầu tư các dự án hợp tác công tư (PPP), các địa phương chủ động, tích cực xử lý các vấn đề theo thẩm quyền được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai các thủ tục.

Sáu là, các địa phương cần đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, nhà thầu về mặt bằng, nguyên vật liệu… Các bộ, ngành chủ động xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nếu vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian tới, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo tại các Phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước.

Về phân bổ kế hoạch trung hạn và hằng năm, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương hoàn thiện các thủ tục theo quy định, báo cáo cấp thẩm quyền giao kế hoạch trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm cho các dự án hoàn thành thủ tục đầu tư sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; thực hiện việc kiểm tra phân bổ đối với kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 được giao bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; kiểm tra việc điều chỉnh kế hoạch năm 2024 nguồn ngân sách trung ương; phê duyệt kế hoạch vốn trên hệ thống Tabmis; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã giao cho các dự án.

Về cơ chế chính sách, đối với thủ tục vay vốn ODA, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự án ODA,đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn nước ngoài để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với đánh giá vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư công, đất đai, tăng cường phân cấp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham gia tích cực tham gia cùng Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, sau khi nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong trường hợp ghi nhận các khó khăn, vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để sửa đổi các nội dung thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay thế đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Tài liệu tham khảo:

  1. Các Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước tại các Phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải;
  2. Các Công điện của Thủ tướng Chính phủ;
  3. Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tại các phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2024