Tăng tốc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Theo chuyên gia, doanh nghiệp cũng như người dân đang cần một thể chế chính sách nhanh hơn, để tránh gây hiện tượng “đình lạm”, sẽ rất khó chữa cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp cần cam kết từ Chính phủ
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, dự kiến quý I/2022 có 45,6% số doanh nghiệp được đánh giá là sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Đánh giá năm 2022, Tổng cục Thống kê dự báo, dịch COVID-19 có thể chưa chấm dứt với sự xuất hiện khó lường của biến chủng Omicron, nên các ngành dịch vụ thị trường chưa thể hồi phục hoàn toàn, nhưng sẽ khả quan hơn năm 2021. Việc thích ứng trong điều kiện bình thường mới, với chương trình phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch, cùng gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp, người dân được tiếp cận nhanh chóng, ổn định, phục hồi sản xuất, giúp tăng trưởng kinh tế.
Với góc nhìn từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch công ty IMC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho biết, Chính phủ và Quốc hội đã ý thức rất rõ việc phải hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn hậu COVID. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể sẽ kéo dài rất lâu, với nhiều biến chủng thay đổi, vì vậy, phải có một kế hoạch kích thích cụ thể, để doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi trở lại.
“Theo tôi, các doanh nghiệp không cứ phải cần đòn bẩy về tài chính, mà quan trọng là cam kết của Chính phủ, của các địa phương, bộ ngành trong giai đoạn này. Ví dụ khi đã ban hành Nghị quyết 128 để mở cửa lưu thông tất cả các hoạt động, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng, đặc biệt là logistics, thì Chính phủ phải kiên định với việc đó, vì lúc này doanh nghiệp chỉ có thể tiến, không thể lùi. Khi doanh nghiệp đầu tư trở lại thì phải được phép làm, chứ không trong tâm thế lo sợ đóng cửa, giãn cách, gây ra sức ì của nền kinh tế và xã hội.
Nơi nào có dịch thì khoanh lại, càng nhỏ càng tốt và hãy coi nó như một dịch cúm mùa để hạn chế tác động tiêu cực của người dân, doanh nghiệp. Vì khi vaccine đã bao phủ, hệ thống miễn dịch cộng đồng đã có, thì tác động đối với sức khỏe được hạn chế đi rất nhiều”, ông Hoàng nói.
Theo vị doanh nhân, toàn bộ thể chế Nhà nước lúc này phải xoay quanh doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để hỗ trợ phục hồi. Tổng doanh số của các doanh nghiệp chính là thước đo cho các cơ quan, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.
Ngoài ra, trong quá trình dịch bệnh vừa qua mới bộc lộ hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam rất yếu kém. Vốn dĩ trạm y tế xã, phường là niềm tin của nhân dân, vì đó là y tế cơ sở, tất cả các bệnh thông thường bao giờ cũng qua đó sàng lọc, rồi mới chuyển đi các tuyến trên. Nhưng trong thời kỳ COVID-19, y tế cơ sở thiếu thốn, phải đổ dồn về tuyến trên, nên mới gây tắc nghẽn và đánh sập hệ thống y tế. Vì vậy, nên tạo điều kiện hơn nữa về đất đai, về thuế, để các cơ sở y tế tư nhân phát triển mạnh hơn và có thể cáng đáng nhiều việc bao gồm như công tác dân số, công tác an toàn thực phẩm, về bảo hiểm y tế, hay cung ứng dịch vụ trạm lưu trú tại địa phương..., vị doanh nhân đề xuất.
Tháo "nút thắt" thể chế
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, những quyết sách của Chính phủ theo Nghị quyết 128 để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch là rất quan trọng. Thực tế trong đại dịch, Việt Nam đã kiểm soát được cơ bản, đã có vaccine tiêm chủng trên diện rộng, nhưng vấn đề lo ngại nhất hiện nay đó là dư địa thời gian không còn nhiều. Do đó, có một số điểm cần lưu ý như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp cũng như người dân đang cần một chính sách về mặt thể chế nhanh hơn, còn nếu cứ chần trừ, bàn mãi không ra chính sách, thì khi bơm tiền kích cầu lại rơi vào tình trạng doanh nghiệp đình đốn, người dân cạn kiệt nguồn lực, gây hiện tượng “đình lạm” sẽ rất khó chữa cho nền kinh tế.
Thứ hai, trong 5 nhóm giải pháp mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã trình mới đây, có nhóm giải pháp đầu tư hướng về cơ sở hạ tầng y tế, đầu tư công và khắc phục câu chuyện đứt gãy dòng tiền trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi muốn trở lại bình thường, rõ ràng phải có quyết sách rất mạnh mẽ về chính sách, phải đưa dòng tiền ra như thế nào, đầu tư công ra sao, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đến đâu.
Thứ ba, đại đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang ở trong tình thế mất thanh khoản, rất khó phục hồi. Vậy cần cơ chế cho dòng tiền quay trở lại, để doanh nghiệp tiếp tục mua nguyên vật liệu, trả lương cho công nhân, phục hồi sản xuất.
“Từ đó, tôi muốn nêu ra ba giải pháp trọng tâm đó là: Một, khi nói đến câu chuyện hỗ trợ lãi suất, cơ chế phải khác đi, cụ thể hơn khi chúng ta đã có công nghệ 4.0. Ví dụ hỗ trợ chênh lệch lãi suất bao nhiêu, đòi hỏi thủ tục giấy tờ như thế nào, quyết toán hàng quý với doanh nghiệp ra sao. Những việc đó hoàn toàn có thể trình thủ tục qua mạng, khi đầy đủ rồi thì chỉ việc cấp bù lại suất cho doanh nghiệp, chứ không chờ đến mãi sau này, đủ thủ tục và sinh ra câu chuyện xin – cho, mà không ngân hàng nào muốn làm như thế. Nên Bộ Tài chính và NHNN cần phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như thế nào, để câu chuyện hỗ trợ lãi suất được nhanh hơn.
Hai là, tại vì sao phải tư nhân hóa y tế cơ sở? Như ở nhiều nước, các doanh nghiệp, người dân có thể đi thuê tài chính rất nhiều, họ thuê tài chính để hình thành tài sản. Ví dụ, một cơ sở y tế có thể thuê toàn bộ các máy móc thiết bị về để khám chữa răng mà không cần phải bỏ vốn nhiều, chỉ cần 15%, còn lại đi thuê tài chính 85% và Chính phủ có thể hỗ trợ thêm.
Tuy nhiên ngành cho thuê tài chính ở Việt Nam còn đang rất “èo uột” vì thể chế ràng buộc, khó để phát triển lên. Còn các nước như Nhật Bản, Đài Loan hay Hàn Quốc, hầu hết họ đi thuê tài chính để thực hiện. Do đó nút thắt hiện nay vẫn là thể chế”, ông Phạm Xuân Hoè nhấn mạnh.
Như vậy, chương trình phục hồi kinh tế mà Chính phủ đề xuất là rất quan trọng và cấp thiết, nhưng để thực sự hỗ trợ được các doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh hiện nay thì cần phải cụ thể hoá nhiều việc, trong đó tăng tốc và tháo gỡ các nút thắt thể cần được ưu tiên hàng đầu.