Tăng trưởng kinh tế bền vững tại Bắc Giang hiện nay và tầm nhìn đến năm 2030


Cùng với sự đổi mới của đất nước, những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã có phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển kinh tế địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, kinh tế - xã hội của Bắc Giang vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Bài viết đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay và đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang

Bằng việc triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, Bắc Giang đã đạt được nhiều chuyển biến cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang luôn duy trì ở mức cao so với bình quân cả nước. Cụ thể, giai đoan 2001 - 2005 là 8,3%/năm; Giai đoạn 2006 -2010 là 9%/năm;  Giai đoạn 2011 - 2015 là 9,5%/năm. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh đạt 10,4%; quy mô kinh tế tăng gấp 15,8 lần so với năm 1997 (đạt 43.746 tỷ đồng).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từ một tỉnh chủ yếu về nông nghiệp, đến nay tỷ lệ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp – xây dựng và dịch vụ của Bắc Giang ngày càng tăng mạnh, chiếm khoảng 77,7% trong cơ cấu nền kinh tế. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng sản phẩm của Tỉnh (GRDP) cao nhất từ trước đến nay, đạt 13,3% (vượt 2,8% so với kế hoạch).

Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, là nền tảng cho phát triển kinh tế của Tỉnh. Xác định rõ điều này Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư: Trong 3 năm gần đây, thu hút đầu tư của Bắc Giang đã có sự bứt phá mạnh mẽ để đứng vào top đầu các tỉnh thu hút đầu tư lớn trong cả nước. Từ năm 2016 đến hết tháng 11/2018, Bắc Giang đã thu hút được 515 dự án đầu tư, vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD, nâng tổng số dự án đến nay còn hiệu lực là 1.451 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 9 tỷ USD; trong đó, có 350 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4 tỷ USD. Với kết quả này, đã đưa Bắc Giang trở thành một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Tỉnh hiện đạt mức cao hơn mức trung bình cả nước, chất lượng giáo dục đào tạo luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành đứng đầu cả nước. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phát triển mạnh mẽ, tuổi thọ của người dân ngày càng được nâng lên. Điều kiện sống cơ bản của người dân cũng được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 22/63 tỉnh, thành cả nước…

Tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Bắc Giang đạt được kết quả khả quan nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức sau:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế tuy cao nhưng chưa toàn diện. Tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn FDI, ngành Nông nghiệp chưa thật sự ổn định, ngành Dịch vụ chưa có bước đột phá, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng tăng trưởng chưa ổn định, vững chắc; đóng góp vào tăng trưởng vẫn chủ yếu là vốn. Cơ cấu ngành, nội bộ các ngành còn lạc hậu. Thu ngân sách nhà nước đã có nhiều cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chi. Cơ cấu xuất nhập khẩu của vẫn tồn tại nhiều bất cập...

Thứ hai, tăng trưởng nhanh nhưng chưa đủ mạnh để tạo những đột phá trong cải thiện thu nhập của người dân. Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo có xu hướng chậm lại trong khi tốc độ tăng trưởng vẫn cao. Chênh lệch giữa nhóm có thu nhập cao nhất với nhóm có thu nhập thấp nhất có xu hướng gia tăng. Chỉ số phát triển con người HDI cao hơn mức bình quân cả nước, kinh tế của Tỉnh, thu nhập của người dân và tuổi thọ vẫn ở mức thấp.

Thứ ba, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động ngày càng mạnh mẽ. Hệ thống các cơ sở y tế phát triển chưa cân đối giữa các vùng, y tế tuyến xã chưa thể hiện được vai trò nền tảng; mạng lưới y tế dự phòng chưa được quan tâm trong nước, chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng; tỷ số giới tính nam/nữ khi sinh vẫn ở mức cao. Đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân, người lao động ở các khu, cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ tư, hệ thống cơ chế chính sách nhất là về phát triển bền vững còn nhiều bất cập. Một số văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy hoạch, kế hoạch của Tỉnh đã được ban hành nhưng vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với định hướng phát triển bền vững; Chất lượng một số cơ chế, chính sách thấp, chưa phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế của địa phương; Công tác cải cách thủ tục hành chính đạt được kết quả nhất định song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do Tỉnh chưa xác định được mô hình phát triển kinh tế rõ ràng, xuyên suốt; Tư duy phát triển vẫn còn mang tính ngắn hạn, nặng về mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn; chưa có định hướng, tiêu chí rõ ràng để phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc duy trì mô hình tăng trưởng theo chiều rộng trong thời gian dài là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng tăng trưởng không bền vững và sự suy thoái môi trường sinh thái; Năng lực cạnh tranh của Tỉnh còn thấp, chậm được cải thiện; việc huy động nguồn vốn đầu tư khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chất lượng; vốn FDI mang nhiều yếu tố kém hiệu quả và thiếu bền vững, trong khi thiếu quy định để sàng lọc thu hút được những dự án có hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững. Năng lực quản trị của các DN hạn chế, công nghệ lạc hậu…

Một số giải pháp đặt ra

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh hiện nay và hướng đến tầm nhìn năm 2030, Bắc Giang cần quan tâm đến một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế. Cần đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống quy hoạch, xác định mô hình phát triển của Tỉnh đến năm 2030. Triển khai xây dựng Quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 theo phương pháp tích hợp, đảm bảo thống nhất về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng tỷ lệ bao phủ quy hoạch đô thị, nông thôn, làm cơ sở khai thác quỹ đất có hiệu quả, thiết lập trật tự trong đầu tư xây dựng.

Đẩy mạnh cải cách thể chế nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh và cải cách hành chính. Triển khai thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí để sàng lọc, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, lựa chọn các dự án đầu tư chất lượng công nghệ tiên tiến sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, đất đai, có giá trị tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Thường xuyên rà soát các thủ  tục hành chính, kịp thời sửa đổi, bổ sung, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho người dân và DN. Tiếp tục cắt giảm 25 - 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết từ 5 ngày trở lên.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hồ sơ được xỷ lý trực  tuyến mức độ 3 đạt 40% trở lên, mức độ 4 đạt từ 30% trở lên, kết nối liên thông, đồng bộ các phần mềm hỗ trợ giải quyết thủ tục trên địa bàn Tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, chuyên môn, trách nhiệm của cán bộ, công chức. Xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.

Xây dựng các chính sách phát triển cụ thể gắn với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế của Tỉnh, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ giảm nghèo bền vững theo hướng toàn diện, đa chiều, nâng cao chất lượng, nguồn nhân lực, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện một số chính sách như: Chính sách phát triển các ngành, sản phẩm chủ lực có tiềm năng, lợi thế giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường, trọng tâm là xác định vùng động lực để tạo cơ chế đặc thù trong thu hút đầu tư đối với các vùng là động lực, trung tâm thúc đẩy phát triển của tỉnh, của vùng và sự liên kết giữa cùng động lực với các vùng phụ trợ; Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, cụm tương hỗ để thu hút đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện, cơ sở để các DN tham gia vào chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng tăng trưởng; Chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút nhà đầu tư vào đầu tư khu, điểm du lịch thông qua  hỗ trợ thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, điện, nước…

Thứ hai, phát triển kinh tế bền vững. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung phát triển, chuyển dịch các ngành sản xuất theo hướng bền vững trong Tỉnh. Thực hiện cơ cấu lại ngành Công nghiệp phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, nhiên liệu, có giá trị gia tăng cao hướng về xuất khẩu. Tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp môi trường.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 130- NQ/TU ngày 16/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 – 2020. Tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, đạt các tiêu chuẩn phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân gắng với nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn Tỉnh. Khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trên địa bàn Tỉnh, thúc đẩy tình hình tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao cho các thành phần kinh tế.

Thu hút nhà đầu tư phát triển dịch vụ liên quan đến du lịch hướng đến phát triền bền vững với trọng tâm là khu du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí FLC Bắc Giang tại hồ Khuôn Thần, quan tâm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với các khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Khe Rỗ, hồ cấm Sơn, dãy núi Nham Biền. Đồng thời, tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai, trọng tâm là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị...

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, lựa chọn, phê duyệt và quyết định đầu tư nhằm lựa chọn được dự án đầu tư có chất lượng; Xây dựng quy định bộ tiêu chính đánh giá, để lựa chọn các dự án đầu tư mang lai hiệu quả cao, có tác động lan tỏa tích cực về xã hội, đảm bảo môi trường, thực sự là động lực cho phát triển bề vững; Thực hiện thu hút có chọn lọc các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành trọng tâm ưu tiên phát triển bền vững của Tỉnh, khuyến khích vào các ngành có lợi thế cạnh tranh, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các dự án lớn với hàm lượng khoa học, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng nhiều lao động.

Ngoài ra, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn; Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện các lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; Tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách đối với hoạt động đào tạo nghề từ đầu tư cơ sở vật chất, đặt hàng đào tạo nghề… để khuyến khích người học quyết định chuyển sang học nghề, nâng tỷ lệ đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ trong cơ cấu lao động qua đào tạo, đặc biệt quan tâm các nghề chất lượng cao.

Thứ ba, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội. Theo đó, cần tăng cường công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa, thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; Triển khai thực hiện lập hồ sơ, khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe đến từng người dân, đến năm 2020 có trên 90% người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe... Cùng với đó, huy động các nguồn tài lực, vật lực của nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động văn hóa, thể thao.

Từng bước thực hiện cơ chế tự chủ một phần đối với các đơn vị sự nghiệp, khuyến khích phát triển, mở mới các dịch vụ nhằm tạo nguồn kinh phí cho hoạt động văn hóa, thể thao đối với các đơn vị sự nghiệp; Thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Xử lý nghiêm các DN nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ bảo hiểm, bảo đảm công khai, minh bạch, bền vững. Triển khai rà soát, phân loại các DN trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, đặc biệt là việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc rút giấy phép đầu tư đối với các DN cố tình sai phạm.

Thứ tư, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khi hậu. Thực hiện công khai quy hoạch sử dụng đất các cấp để tạo điều kiện thu hút đầu tư và để nhân dân giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện; Đẩy nhanh tiến độ đo đạc bản đồ địa chính; Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát sỏi lòng sông; Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN khai thác khoáng sản sau cấp phép khai thác khoáng sản, đồng thời xử lý nghiêm, đúng quy định các trường hợp vi phạm; Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, gắn với bảo tồn thiên nhiên với giảm nghèo; Nâng cao chất lượng rừng, tiếp tục thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, trồng rừng từ đầu nguồn, rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên…

Thứ năm, tăng cường hợp  tác với các địa phương, mở rộng hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện; Nâng cao chất lượng, có hiệu quả các hoạt động hợp tác bằng những dự án đầu tư, những công trình cụ thế, các tour, tuyến du lịch, chuỗi sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm… trên cơ sở lợi ích chung giữa các địa phương. Công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về các vấn đề được xã hội quan tâm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Xuân Bá, “ Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng king tế: tính tất yếu khách quan, khó khăn, thuận lợi và triển vọng”, Ðề cương bài trình bày tại Bộ Công an, ngày 29/2/2012;
  2. Bùi Quang Tuấn, Hà Huy Ngọc (2015), “Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia sau 3 năm thực hiện: Thách thức phía trước”, Tạp chí Kinh tế và Chính trị thế giới, số 8;
  3. Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (2011), hướng tới nền kinh tế xanh, lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, NXB Nông nghiệp, Hà Nội;
  4. Niên giám Thống kê tỉnh Bắc Giang các năm 2015, 2016, 2017.