Xử lý nợ xấu gắn với tái thiết doanh nghiệp góp phần củng cố an ninh tài chính, tăng trưởng kinh tế
An ninh tài chính quốc gia là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính và tạo điều kiện cho ổn định và phát triển kinh tế. Nợ xấu cao sẽ tác động tiêu cực đến an ninh tài chính và quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Giữa nợ xấu, an ninh tài chính và tăng trưởng kinh tế có tác động qua lại, vì vậy, xử lý triệt để nợ xấu là vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu gắn với cải cách kinh tế, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và tái thiết doanh nghiệp. Với các chính sách và công cụ phù hợp, Việt Nam đã, đang xử lý có hiệu quả để từng bước giảm tỷ lệ nợ xấu xuống ngưỡng an toàn, duy trì và bảo đảm an ninh tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Tác động của nợ xấu đến doanh nghiệp, ngân hàng và Nhà nước trong mối liên hệ với an ninh tài chính và tăng trưởng kinh tế
An ninh tài chính quốc gia được hiểu là sự an toàn và tính ổn định của hệ thống tài chính; trong đó, giới hạn cực đại của nó là sự đổ vỡ mang tính hệ thống dẫn đến khủng hoảng kinh tế quốc gia. Có nhiều yếu tố dẫn đến mất an toàn của hệ thống tài chính mà trong đó sự tích tụ đến mức cao của nợ xấu là một nhân tố mang tính trực tiếp và có tác động lớn. Hoạt động cho vay của ngân hàng luôn phải đối mặt với rủi ro không thu hồi được lãi và nợ gốc nên nợ xấu luôn là vấn đề hiện hữu của mỗi ngân hàng, hay nền kinh tế.
Tuy nhiên, nợ xấu chỉ ảnh hưởng tiêu cực khi không được xử lý, nó tích tụ đến ngưỡng cao trong hệ thống tài chính hay rộng hơn là trong nền kinh tế. Khi đó, nợ xấu với quy mô lớn tác động qua lại giữa ba chủ thể chính đại diện cho nền kinh tế là doanh nghiệp (DN), ngân hàng thương mại (NHTM) và Nhà nước. Mối quan hệ tác động này được mô phỏng thông qua một hình tam giác với mỗi đỉnh là một chủ thể (Hình 1).
Mối liên hệ tác động này thể hiện khi DN hoạt động kém hiệu quả hoặc bởi các yếu tố ndẫn đến không trả được lãi vay hoặc nợ gốc nên xuất hiện và tích tụ khoản phải trả tồn đọng trên bảng cân đối kế toán của DN. Khi đó, các NHTM sẽ xuất hiện tương ứng khoản phải thu hay khoản cho vay tồn đọng hay nói cách khác là nợ xấu do không thu hồi được toàn bộ hay một phần lãi và/hoặc nợ gốc. Nếu tình trạng này kéo dài và diễn ra trên diện rộng, do không xử lý được nên một lượng lớn vốn của nền kinh tế bị nằm chết/tồn đọng trong các DN dẫn đến sự suy giảm khả năng thanh khoản gây rủi ro đổ vỡ hệ thống.
Các ngân hàng đối mặt với rủi ro thiếu nguồn chi trả tiền gửi dân cư và các nghĩa vụ thanh toán đến hạn khác và phải tăng mức trích dự phòng dẫn đến lợi nhuận suy giảm, thậm chí bị lỗ làm giảm khả năng vay mượn để bù đắt thiếu hụt thanh khoản. Mặt khác, nợ xấu tác động trực tiếp đến chính sách tài khóa do số thu thuế từ khu vực DN và ngân hàng bị giảm dẫn đến sụt giảm chi đầu tư công cho phát triển kinh tế xã hội. Như là một hệ quả, để tránh đổ vỡ hệ thống ngân hàng và cứu các DN mắc nợ, nhà nước thường áp dụng các gói cứu trợ thông qua việc bơm một lượng tiền lớn cho hai chủ thể còn lại.
Trong lúc số thu thuế giảm mà nhu cầu chi tăng, nhà nước buộc phải phát hành hoặc vay tiền từ công chúng hoặc vay nước ngoài dẫn đến lạm phát, chi phí sử dụng vốn tăng lên, nhà đầu tư tư nhân, do lo sợ rủi ro sẽ thoái lui khỏi các hoạt động đầu tư mới. Cuối cùng, do bị hạn chế về nguồn lực tài chính Nhà nước buộc phải thả nổi nền kinh tế cho thị trường tự do tự điều tiết hoặc phải bán phần vốn của Nhà nước để có tiền dùng cho các khoản cứu trợ và cơ cấu lại các DN và ngân hàng nhưng do nợ xấu đã tích tụ ở mức cao nên việc bán vốn cho các nhà đầu tư tư nhân vừa bị mất giá vừa khó thực hiện bởi độ rủi ro cao.
Như vậy, điểm mấu chốt là phải có sự đột phá trong xử lý nợ xấu để phá vỡ vòng tác động qua lại này. Nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu, DN bị suy giảm khả năng vay mượn từ cả ngân hàng và thị trường vốn, ngân hàng bị ứ đọng vốn cho vay do đối tượng vay bị thu hẹp, chi phí vốn bị đẩy lên mức cao làm tăng chi phí sản xuất xã hội.
Ở Việt Nam, mức độ đe dọa khi nợ xấu tăng cao còn nghiêm trọng hơn nhiều do NHTM là kênh quan trọng thu hút tiền gửi dân cư và là mạch máu chính dẫn vốn cho nền kinh tế. Hoạt động cho vay của NHTM hiện chiếm tới hơn 60% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính cho nền kinh tế, tạo ra trên 70% thu nhập thuần cho ngân hàng và ngân hàng vẫn chiếm tới hơn 95% tổng tài sản trong các định chế tài chính.
Dư nợ cho vay nền kinh tế năm 2017 ước đạt 135% GDP, gấp 2 đến 3 lần so với trung bình các nước ASEAN. Bởi thế, khi nợ xấu duy trì ở mức cao trong giai đoạn từ 2011 đến nay tại Việt Nam thực thi nhiều giải pháp giải cứu mạnh tay thông qua áp đặt chương trình xử lý nợ xấu bắt buộc và những ngân hàng yếu kém bị buộc phải bán với giá không đồng để Chính phủ kiểm soát nhằm duy trì sự ổn định hệ thống.
Đo lường mối quan hệ tác động của nợ xấu với an ninh tài chính và tăng trưởng kinh tế
Mối quan hệ tác động của nợ xấu đến an ninh tài chính và tăng trưởng kinh tế quốc gia có thể được đo lường thông qua nhiều biến số như: Mức độ cung ứng vốn cho nền kinh tế (tăng trưởng tín dụng), hiệu quả sinh lời trên vốn chủ (ROE) hay tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của NHTM, tính thanh khoản hệ thống, sự biến động của lãi suất cho vay qua đêm… Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người được xem như vừa là một biến số độc lập vừa là hệ quả/ biến số chung của mọi biến số thể hiện tác động tổng hợp của nợ xấu đến an ninh tài chính và tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Diễn biến tình hình thực tế của Việt Nam cũng cho thấy, mối quan hệ tác động giữa nợ xấu với các biến số; trong đó, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP bình quân đầu người có diễn biến nghịch chiều, theo chu kỳ với một độ trễ thời gian so với tỷ lệ nợ xấu (Hình 2).
Hình 2, cho thấy, mối liên hệ mang tính chu kỳ giữa các chỉ tiêu. Tín dụng ngân hàng có xu hướng tăng cao trong giai đoạn 2006-2009 dẫn đến tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn 2009-2012. Khi tín dụng có xu hướng giảm giai đoạn 2009-2012 thì tỷ lệ nợ xấu cũng có xu hướng giảm giai đoạn 2012-2015 và do nợ xấu được coi trọng xử lý làm tín dụng lại có xu hướng tăng trở lại trong giai đoạn 2012-2017.
Đối với chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người, khi nợ xấu có xu hướng tăng giai đoạn 2009-2012 thì GDP bình quân đầu người cho thấy, xu hướng giảm trong giai đoạn 2011-2014, khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm giai đoạn 2012-2017 thì GDP bình quân đầu người cho thấy xu hướng tăng giai đoạn 2013-2017.
Kết quả của việc Chính phủ coi trọng xử lý nợ xấu đã góp phần tạo sinh lợi cho nhà đầu tư và gia tăng thu nhập cho các chủ thể trong xã hội. Mặt bằng lãi suất huy động bình quân năm giảm từ khoảng 7,1% năm 2012 xuống còn 5,24% vào tháng 9/2018 kéo theo sự giảm xuống của lãi suất cho vay bình quân từ khoảng 12,7% năm 2012 xuống còn 8,86% (vào tháng 9/2018). Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng cũng cho thấy những thay đổi tích cực: ROA tăng từ 0,4% (năm 2012) lên 0,7% (năm 2017); ROE tăng từ 4,4% (năm 2012) lên 11,2% (năm 2017).
Kết quả là, khả năng thanh toán lãi và nợ gốc của người đi vay được cải thiện, do đó giúp ngân hàng tiếp tục xử lý để đẩy tỷ lệ nợ xấu về ngưỡng an toàn. Ngược lại, khi ngân hàng duy trì được nợ xấu ở mức thấp nó sẽ kiểm soát được rủi ro và làm tốt vai trò kênh truyền dẫn vốn cho các hoạt động đầu tư của DN. Qua đó, thúc đẩy đầu tư xã hội và hoạt động của nhà nước để bảo đảm tăng trưởng kinh tế cũng như sự an toàn của nền tài chính quốc gia.
Xử lý nợ xấu gắn với tái thiết doanh nghiệp tác động đến an ninh tài chính và tăng trưởng kinh tế quốc gia
Sau hơn 30 năm cải cách và mở cửa kinh tế, qua từng giai đoạn, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho nhận diện cũng như xử lý nợ xấu gắn với các chương trình cải cách kinh tế, cơ cấu lại hệ thống NHTM và tái thiết DN (đặc biệt là khu vực DNNN) theo hướng thị trường hóa với những can thiệp hợp lý của Chính phủ.
Trong tiến trình ấy, Chính phủ đã thành lập Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của DN (DATC, nay là Công ty Mua bán nợ Việt Nam) vào năm 2003 với vai trò là công cụ gắn xử lý nợ xấu ngân hàng với làm lành mạnh hệ thống tài chính nhằm tái thiết phục hồi hoạt động những DN.
Đến nay, DATC đã xử lý trên 90.000 tỷ đồng nợ trong và ngoài nước cho DN; hỗ trợ trên 3.000 DN xử lý nợ trong quá trình cổ phần hóa; xử lý nợ gắn với tái thiết trên 180 DN; giúp trên 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xử lý nợ để hoàn thành quá trình cổ phần hóa.
Có nhiều biện pháp xử lý nợ khác nhau được áp dụng tại Việt Nam theo tiến trình hội nhập quốc tế. Trong đó, phương pháp tái thiết DN để xử lý nợ xấu là giải pháp được DATC khởi xướng và đi tiên phong.
Quy trình thực hiện xử lý nợ gắn với tái thiết DN đòi hỏi một loạt các bước công việc (Hình 3) từ (1) Tìm hiểu và soát xét thông tin DN (pháp lý, tài chính, tài sản, thuế, ngành kinh doanh, khách hàng…) để đánh giá khả năng tái thiết và xác định phương án xử lý nợ phù hợp; (2) Xây dựng các kịch bản phục hồi và dòng tiền tương ứng để định giá khoản nợ trong tổng giá trị DN theo phương pháp tài sản và dòng tiền tương lai để đàm phán mua nợ; (3) Cơ cấu lại tài chính theo nguyên tắc cân đối giữa tài sản với vốn và công nợ để từ đó xóa phần nợ chết, chuyển nợ thành vốn góp, mời nhà đầu tư góp vốn…; (4) Tái cấu trúc bộ máy và nhân sự, tái cấu trúc kinh doanh, cơ cấu lại thị trường tiêu thụ, vùng nguyên liệu… để phục hồi hoạt động theo các kịch bản đã xây dựng; (5) Thực hiện các hoạt động hỗ trợ sau tái thiết như điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và thu nợ phù hợp dòng tiền, thoái vốn đầu tư để kết thúc quá trình tái thiết DN.
So với các biện pháp xử lý nợ khác hiện đang áp dụng như mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, bán nợ, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản, khoanh chờ xử lý hay dùng dự phòng chuyển ngoại bảng… thì xử lý nợ gắn với tái thiết DN tuy chỉ áp dụng được đối với DN còn khả năng phục hồi và chỉ được thực hiện tốt ở các tổ chức xử lý nợ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nó mang nhiều đặc điểm nổi bật, tác động tích cực đến an ninh tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua các nội dung sau:
Thứ nhất, xử lý nợ xấu qua tái thiết DN buộc phải tạo sự cân đối giữa bên tài sản và bên nguồn vốn; nghĩa là, mọi khoản công nợ vượt trội so với tài sản đều phải bị cắt bỏ trong khi với đa số các biện pháp khác như bán tài sản đảm bảo thu nợ, khoanh hay giãn nợ, chuyển ngoại bảng hay mua bán qua trái phiếu đặc biệt thì về cơ bản khoản nợ chỉ chuyển chỗ trú ẩn hay được đẩy về tương lai chứ thực chất nó vẫn hiện diện trong sổ sách DN, khoản nợ xấu sẽ được định giá để cân bằng giữa nợ với giá trị tài sản mà khoản nợ đại diện và phần dư thừa sẽ được cắt bỏ trong khi nhiều giải pháp khác chưa xử lý được số nợ dư thừa.
Do đó, tái thiết DN giúp làm biến mất khoản nợ xấu, phá vỡ vòng liên kết giữa DN – ngân hàng – nhà nước nên nó giúp xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu cho nền kinh tế. Hơn nữa, để tái cơ cấu được DN thì phải xử lý được cơ bản số nợ và các chủ nợ trong khi các giải pháp khác thường chỉ giúp xử lý riêng lẻ từng khoản nợ do nhu cầu xử lý ở từng ngân hàng là khác nhau dẫn đến ở cùng một DN có khoản nợ được xử lý có khoản nợ lại không được xử lý.
Thứ hai, phương pháp này làm gia tăng giá trị DN qua đó làm tăng giá trị khoản nợ xấu dẫn đến khoản nợ được thu hồi với giá trị tốt hơn khi so với các biện pháp khác. Bởi việc tái sinh DN sẽ làm cho khoản nợ xấu bớt xấu, tức là làm khoản nợ xấu có giá trị tốt hơn nhờ việc giải phóng năng lực tạo tiền cho các tài sản đảm bảo nợ vì chúng không còn bị nằm chết do các cam kết hay ràng buộc bởi hợp đồng thế chấp.
So với nhiều biện pháp khác, tái thiết DN không chỉ giúp tài sản hữu hình được tháo nút để được sử dụng mà còn giúp khai thác các lợi thế hay tài sản vô hình như lực lượng lao động, hệ thống bán hàng, thương hiệu, cộng đồng khách hàng… Khi đó, khoản nợ xấu sẽ được định giá trên cơ sở dòng tiền tương lai với giả định DN hoạt động liên tục nên sẽ có giá trị cao hơn so với mức thu nợ do bán tài sản theo giá thanh lý.
Thứ ba, xử lý nợ xấu gắn với tái thiết DN góp phần bảo đảm an sinh xã hội và làm tăng thu NSNN thông qua việc duy trì và tạo công ăn việc làm cho người lao động trực tiếp, cũng như lao động gián tiếp ở các hộ gia đình trong chuỗi cung ứng nguyên liệu và dịch vụ, bảo đảm nguồn thu nhập, để ổn định đời sống dân cư; từ đó, làm giảm nhu cầu chi cho các hoạt động xã hội từ nguồn vốn nhà nước. Một thực tế là, các DN khi đã mắc nợ xấu với ngân hàng thì cũng thường phát sinh các khoản nợ đọng có tính chất “nhà nước” như nợ đọng thuế, nợ đọng bảo hiểm xã hội, nợ đọng đối với khoản vay ưu đãi đầu tư từ Nhà nước.
Những khoản nợ đọng này về cơ bản sẽ chỉ thu được một phần hay không thu hồi được vì tính chất không được bảo đảm đầy đủ của nó khi xử lý thu hồi nợ theo cách thông thường. Vì vậy, khi tái thiết DN sẽ giúp Nhà nước thu hồi tốt hơn nguồn vốn và lợi nhuận vì DN hồi sinh và mang lại dòng tiền dương. Khi đó, NSNN còn có thêm nguồn thu mới từ hoạt động bán hàng, từ thuế thu nhập DN hay các loại thuế khác…
Thứ tư, xã hội hóa đầu tư cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia xử lý nợ làm giảm áp lực giải cứu bằng tiền Nhà nước. Mua và xử lý nợ xấu được coi là hoạt động kinh doanh rủi ro bởi người cho vay là ngân hàng với năng lực chuyên môn và cả một hệ thống bộ máy và nhân sự hỗ trợ còn không thu hồi được nợ thì từng nhà đầu tư tư nhân nhỏ lẻ sẽ rất khó để biến khoản nợ xấu trở nên tốt để thu được lợi ích nếu mua nó.
Tuy nhiên, qua giải pháp tái cơ cấu DN khách nợ, nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia khi hợp tác mua nợ cùng các tổ chức xử lý nợ chuyên nghiệp hay trở thành nhà đầu tư góp vốn cổ phần theo phương án tái cơ cấu vốn để tham gia họ sở hữu hay vận hành DN. Cách thức này khiến nhà đầu tư hào hứng tham gia hơn so với việc họ trực tiếp mua khoản nợ xấu, do họ kiểm soát được mức độ rủi ro. Khi DN tái cơ cấu thực sự hồi sinh, cổ phiếu của nó sẽ trở thành hàng hóa để được giao dịch trên thị trường chứng khoán tới tay công chúng đầu tư.
Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách
Những thay đổi trong quan điểm và chính sách xử lý nợ xấu của Chính phủ vừa qua đã tác động đáng kể đến kết quả xử lý nợ xấu. Hình 2 cho thấy, nợ xấu giảm từ mức 4,86% năm 2012 về mức 2,46% vào năm 2016, mức 2,34% vào năm 2017 và 2,09% vào tháng 6/2008. Tuy nhiên, theo số liệu nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ tính các khoản nợ xấu nội bảng mà không tính các khoản nợ được cơ cấu lại, các khoản nợ xấu tiềm ẩn.
Nếu bao gồm cả các khoản tiềm ẩn nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu có sự thay đổi đáng kể: 10,08% vào cuối năm 2016, 7,7% vào cuối năm 2017, tháng 6/2018 còn 6,67% tương ứng với giá trị tuyệt đối 486.000 tỷ đồng. Nếu so với GDP năm 2017 là 220 tỷ USD theo giá hiện hành thì nợ xấu có quy mô khoảng 22 tỷ USD và tương đương 10% GDP, một quy mô nợ xấu không nhỏ và cần tiếp tục đẩy mạnh xử lý.
Nguyên tắc tối đa hóa giá trị thu hồi trong xử lý nợ xấu cho thấy, khi có các giải pháp thu nợ khác nhau để lựa chọn như khoanh lại chờ xử lý, bán nợ lấy trái phiếu đặc biệt, bán tài sản đảm bảo, kiện phá sản, tái thiết DN… tổ chức xử lý nợ thường phải so sánh xem biện pháp nào mang lại giá trị tốt hơn.
Rõ ràng, khi DN mắc nợ hội tụ đủ các yếu tố để có thể tái thiết thành công thì giá trị nợ thu hồi theo cách này chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với bất kỳ giải pháp nào khác; Do đó, xử lý nợ theo cách này sẽ mang lại lợi ích cho vấn đề an ninh tài chính và phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, thực tế ở nước ta cho thấy, nguyên tắc này không được coi trọng bởi nhiều lý do như việc các chủ nợ không coi trọng tái thiết DN, vấn đề thiếu năng lực chuyên môn, tâm lý mạnh ai nấy làm mà không coi trọng lợi ích của chủ DN hay bên thứ ba, thiếu công cụ pháp lý hay các quy tắc mang tính thông lệ để chi phối chủ nợ, ám ảnh bởi vấn đề hình sự hóa các hoạt động thu nợ từ cơ quan thanh kiểm tra… Vì vậy, những vấn đề phát sinh trong thực tế làm cản trở việc áp dụng rộng rãi biện pháp xử lý nợ gắn với tái thiết DN cần sớm được quan tâm, tháo gỡ. Cụ thể:
Một là, quy mô khoản nợ ngày càng lớn với tính chất phức tạp hơn dẫn đến việc tài trợ vốn thường do nhiều ngân hàng cho vay riêng lẻ hoặc cùng cho vay qua thỏa thuận hợp vốn. Tuy nhiên, nhu cầu xử lý nợ ở mỗi ngân hàng là khác nhau dẫn đến tổ chức xử lý nợ không thể mua nợ cùng lúc với mọi ngân hàng, điều này làm kéo dài thời gian mua nợ dẫn đến khi đàm phán xong với các chủ nợ thì quỹ thời gian để tái thiết DN đã hết.
Theo kinh nghiệm quốc tế, để xử lý vấn đề này họ thường đệ đơn ra tòa xin bảo hộ phá sản hay áp dụng quy tắc tái cơ cấu nợ ngoài tòa án (Work-out). Ở Việt Nam, việc tái cơ cấu qua tòa án là điều không tưởng trong hầu hết các trường hợp.
Vì vậy, khuyến nghị đặt ra là Ngân hàng Nhà nước hay Hiệp hội ngân hàng cần sớm xây dựng bộ quy tắc cho phép áp dụng cơ chế Work-out với nguyên tắc chung là nếu có từ 51% số chủ nợ cùng với có từ 75% giá trị nợ trở lên đồng ý thì phương án tái thiết được chấp thuận.
Đồng thời, cho phép áp dụng cơ chế trả giá mua nợ tương ứng phần giá trị nợ theo phương án tái cơ cấu và phần thặng dư do giá chào bán nợ cao hơn sẽ được trả bằng trái phiếu đặc biệt do tổ chức tái thiết DN phát hành để chia sẻ rủi ro/lợi ích sau này với ngân hàng nhằm đẩy nhanh việc đàm phán mua nợ, có thời gian vàng cho tái thiết.
Hai là, các khoản nợ có tính chất “nhà nước” là các khoản cho vay ưu đãi đầu tư từ Chính phủ, các khoản nợ đọng về thuế… hiện diện trong nhiều DN mắc nợ. Tuy nhiên, các khoản nợ có tính chất “nhà nước” lại có cơ chế xử lý rất cứng, nặng về hành chính dẫn đến sự lệch pha với xử lý các khoản nợ xấu thương mại và nhiều khi là nguyên nhân gây đổ vỡ phương án tái cơ cấu DN.
Vì vậy, Chính phủ nên cho phép áp dụng cơ chế thị trường khi xem xét xử lý các khoản nợ có tính chất “nhà nước” bình đẳng như với các khoản nợ thương mại để tạo sự hài hòa lợi ích giữa thu hồi nợ với bảo vệ sự sinh tồn của DN. Đồng thời, cho phép các DN tái thiết được miễn tiền phạt thuế, được xóa một phần nợ thuế, được phân bổ trả dần thuế nợ đọng theo tiến trình phục hồi… để chia sẻ rủi ro và tăng mức độ thành công của phương án với nhà đầu tư tham gia tái thiết DN.
Ba là, các DN tái thiết qua hoạt động xử lý nợ thường rất khó tiếp cận nguồn vốn mới trong khi đây là yêu cầu thiết yếu để khởi động quá trình phục hồi DN. Do đó, cần cho phép các ngân hàng được tái cấp vốn phù hợp phương án phục hồi DN. Đồng thời, cho phép các tổ chức xử lý nợ được sử dụng nguồn lực của mình để hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp như một nguồn vốn mồi để phục hồi hoạt động.
Ngoài ra, Nhà nước có thể dùng nguồn lực của mình để sáng lập hình thành Quỹ tái thiết DN hoặc Quỹ xử lý nợ xấu gắn với tái thiết DN với sự kêu gọi tham dự đầu tư của các tổ chức xử lý nợ và các nhà đầu tư tư nhân.
Tài liệu tham khảo:
- Kỷ yếu Hội nghị quốc tế về “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” do DATC và ADB tổ chức tại Hà Nội ngày 15/11/2018;
- Phạm Mạnh Thường (2013), Hoàn thiện cơ chế tài chính trong xử lý nợ xấu thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Tài chính;
- Các báo cáo hoạt động của DATC.