Tăng trưởng tín dụng có cải thiện từ cuối quý III/2023

Tuấn Thủy

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 29/9/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,92% so với cuối năm 2022, tập trung nhiều ở một số lĩnh vực ưu tiên.

Phát biểu tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp do NHNN tổ chức chiều 4/10/2023 tại Thái Nguyên, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều quốc gia vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì xu hướng tăng lãi suất; giá dầu tăng cao, xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu… tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Về vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, Phó Thống đốc thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp với các bộ ngành, Hiệp hội; NHNN đã tổ chức 12 Hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng. Đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

“Mặc dù vậy tín dụng vẫn tăng chậm hơn năm ngoái, điều này do rất nhiều nguyên nhân cần được phân tích, đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp”, Phó Thống đốc đánh giá.

Về điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã chỉ đạo khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ. BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại các tỉnh: Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, tính đến ngày 30/9/2023 dư nợ cho vay đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022.

Tình hình tín dụng trên địa bàn của một số ngành có xu hướng giảm. Trong đó, tín dụng ngành Nông lâm, Thủy sản giảm 0,29% so với cuối năm 2022. Tín dụng ngành Khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỷ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng; ngành Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỷ trọng 41,81%...

Bên cạnh đó, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 6,28%.

Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao như: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%; Kinh doanh BĐS tăng 14,45%; Dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%.

 

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ, Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp là cơ hội để lắng nghe và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng. Từ đó cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.