Tăng trưởng xuất khẩu thấp, vì sao?
Diễn biến kinh tế 4 tháng đầu năm 2016 cho thấy một thực tế không lạc quan, thể hiện qua việc GDP tăng thấp hơn so với dự báo và kết quả xuất khẩu cũng không như mong muốn. Điều này rất đáng lo ngại, bởi nền kinh tế đã, đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Vì sao xuất khẩu đạt kết quả thấp?
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa tháng 4 đạt 14,1 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước, do xuất khẩu của cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước đều giảm.
Tính chung 4 tháng, KNXK cả nước đạt 52,9 tỷ USD, tăng 6,0% (cùng kỳ năm ngoái tăng 7,2%). Đây là kết quả khá thấp, thấp hơn hẳn so với mục tiêu là tăng 10% như kế hoạch từ đầu năm. Thực tế này càng đáng ngại vì nó diễn ra như một xu thế khi Việt Nam đã không đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của năm 2015.
Nguyên nhân của hiện tượng trên có nhiều, nhưng trước hết là do nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô đã giảm hơn 50%, bởi giá dầu thô vẫn trong xu hướng giảm và neo ở mức thấp trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, KNXK than đá cũng giảm hơn 90%.
Tiếp theo, hoạt động xuất khẩu của nhóm nông, thủy sản cũng gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ trên nhiều thị trường suy giảm, nhất là đối với mặt hàng gạo và thủy sản do doanh nghiệp xuất khẩu của ta phải cạnh tranh mạnh với hàng của Thái Lan, Campuchia, Bangladesh…
Đặc biệt, KNXK của nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến cũng chỉ tăng 8,8% so với cùng kỳ, trong khi đây luôn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực và thường xuyên đạt tốc độ tăng trưởng hơn 10% trong cùng kỳ của các năm trước.
Thực tế này cho thấy sự giảm tốc của nhóm hàng có ý nghĩa và đóng góp lớn nhất cho KNXK cả nước, thậm chí là một báo hiệu về khả năng có thể xuất hiện sự tới ngưỡng bão hòa đối với một số nhóm sản phẩm xuất khẩu.
Thực tế cũng cho thấy, kết quả xuất khẩu của một số mặt hàng quan trọng như dệt may, da giày, linh kiện điện tử… đang thấp hơn cùng kỳ, là gợi ý về khả năng tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu đã đạt ngưỡng tối đa; vì vậy rất khó tạo ra sự bứt phá như đã từng diễn ra trong thời gian trước.
Đáng "thất vọng" nữa là, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - vốn là khu vực luôn đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, là nguồn lực lớn nhất đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của cả nước, cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 7,3%.
Chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh nhận định, sự khó khăn của kinh tế toàn cầu, nhất là tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam gây ra bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của nước ta. Một thực tế cho thấy sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và sản phẩm Việt chưa đủ mạnh khi KNXK sang thị trường ASEAN chỉ đạt 5,4 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ. Như vậy, hàng Việt đang trên đà suy giảm thay vì đáng lẽ phải gia tăng sự hiện diện tại thị trường chung ASEAN vừa hình thành, với hơn 600 triệu người tiêu dùng.
Như vậy, nếu không có những biện pháp hữu hiệu và tình hình thị trường thế giới không xuất hiện những điều kiện thuận lợi hơn thì sẽ đe dọa đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2016. Các nguyên nhân khách quan đương nhiên rất khó điều chỉnh, nhưng ý chí chủ quan, sự điều hành của cơ quan chức năng và hoạt động của DN có thể căn chỉnh, tác động để tạo sự chuyển biến.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục khuyến khích DN tìm kiếm, thâm nhập thị trường mới, tập trung phát triển các mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh. Các ngành, địa phương cũng tăng cường phổ biến, hướng dẫn DN cập nhật, vận dụng điều kiện thuận lợi trong thương mại khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, hỗ trợ DN là rất quan trọng, từ đó cung cấp thông tin thị trường, nhất là tạo niềm tin cho DN trong việc hiện thực hóa hoạt động xuất khẩu nhằm khắc phục những hạn chế thiếu thông tin, không nắm được quy định hoặc ưu đãi với hàng xuất khẩu…
Về phía DN, mỗi đơn vị cần chủ động phát triển dựa trên yếu tố công nghệ và đón bắt, tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại. Chuyên gia Võ Trí Thành cho biết, môi trường và đặc điểm thị trường trong bối cảnh hội nhập đang thay đổi rất nhanh, gắn liền với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Vì vậy, DN trong nước cần tập trung nguồn lực, phát huy tối đa năng lực sáng tạo để nghiên cứu các sản phẩm thỏa mãn yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, mỗi DN cũng cần làm tốt việc xác định phân khúc thị trường phù hợp trên cơ sở chọn lọc, bứt phá để tìm chỗ đứng và mở rộng thị phần.