Tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam

Khánh Chi

Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm, hướng tới nhằm bảo vệ môi trường sống trong sạch, bền vững. Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam đã, đang tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh với những chiến lược cụ thể như ưu tiên phát triển “công nghiệp hóa sạch”, xây dựng nền “công nghiệp xanh"...

Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm, hướng tới nhằm bảo vệ môi trường sống trong sạch, bền vững.
Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm, hướng tới nhằm bảo vệ môi trường sống trong sạch, bền vững.

Thực hiện chủ trương về phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 về Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là bản chiến lược đầu tiên, toàn diện về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, phù hợp với điều kiện trong nước và xu hướng chung trên thế giới.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Chương trình này tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng con người và tài sản. Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên; tăng trưởng xanh, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững. Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.

Mặc dù, Việt Nam đã nỗ lực đề ra nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện phát triển kinh tế xanh, tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như, công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, lạc hậu tiêu hao năng lượng lớn; cơ chế chính sách thực hiện “nền kinh tế xanh” ở Việt Nam hiện nay chưa rõ ràng, trong khi thế giới mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế, chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền “kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục định hướng thay đổi nhận thức của xã hội từ nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh” để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, từ đó thay đổi quan niệm và nhận thức về một “nền kinh tế xanh”.

Trong xây dựng cơ chế, chính sách cần tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, phát thải các bon thấp; công nghệ thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường; phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; định hướng lại đầu tư, hướng tới mức đầu tư khoảng 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, Việt Nam đẩy mạnh cải cách hệ thống thuế tài nguyên và xem xét lại thuế môi trường hướng tới phát triển kinh tế xanh được điều chỉnh thông qua công cụ kinh tế và cơ chế tài chính, thuế nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm, bảo vệ môi trường, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Cùng với đó, tăng cường rà soát lại cơ chế, chính sách liên quan đến dịch vụ hệ sinh thái và đầu tư cho phát triển, gắn phát triển rừng với xóa đói giảm nghèo; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, huy động các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế.