Tạo “đòn bẩy” phát triển dịch vụ tài chính cá nhân
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Với tiềm năng này, phát triển dịch vụ tài chính cá nhân đang trở thành một trong những định hướng chiến lược của các ngân hàng thương mại.
Tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam được đánh giá còn rất lớn là nhờ quy mô dân số lớn, gần 100 triệu người, với dân số trẻ khá cao, trong khi hơn một nửa dân số hiện chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua ngân hàng.
Tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam đạt khoảng 11%, thấp hơn nhiều so với mức 40-50% ở các nước phát triển. Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động và thu nhập của người dân tăng trưởng mỗi năm. Với mật độ dân số trẻ cao và thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng nói chung và nhu cầu về các dịch vụ tài chính cá nhân để cải thiện cuộc sống của người dân từ đó cũng không ngừng tăng lên.
Tại Việt Nam, tham gia thị trường tín dụng tiêu dùng bên cạnh hàng chục ngân hàng thương mại (NHTM) còn có sự tham gia của 16 công ty tài chính với quy mô thị trường ước tính đạt 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD). Dự báo, trong thời gian tới, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của NHTM trong nước, các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là các công ty công nghệ tài chính (fintech), quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng sẽ mở rộng hơn.
Hiện nay, phát triển dịch vụ tài chính cá nhân đang trở thành một trong những định hướng chiến lược của các NHTM. Dịch vụ tài chính cá nhân tại các ngân hàng hiện nay ngày càng đa dạng, trở nên đồng đều hơn với việc triển khai của hầu hết các NHTM, tạo cho khách hàng nhiều cơ hội lựa chọn, đáp ứng được phần nào nhu cầu tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng và thanh toán.
Đặc biệt, xu hướng cạnh tranh trên lĩnh vực tài chính cá nhân không chỉ của NHTM và công ty tài chính mà còn có sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin. Các sản phẩm tài chính của nhóm công ty công nghệ tài chính khá phong phú so với nhu cầu của người tiêu dùng và các thủ tục được thực hiện trực tuyến. Với hình thức vay vốn trực tuyến, các công ty sẽ không phải chịu nhiều các khoản chi phí về mặt bằng, điện nước, lương nhân viên... để duy trì hoạt động nên mức lãi suất của các dịch vụ cho vay trực tuyến trở nên hấp dẫn hơn.
Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng,̀ việc phát triển các dịch vụ tài chính cá nhân ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Bởi các văn bản pháp quy liên quan tới các dịch vụ quản lý tài chính cá nhân chưa đầy đủ. Việc phát triển dịch vụ tài chính cá nhân sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan giữa các bên và cần có các quy định cụ thể để điều chỉnh nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, đặc biệt là lợi ích của khách hàng.
Trong khi đó, nhận thức, kiến thức về tài chính cá nhân và dịch vụ tài chính cá nhân còn hạn chế; các đối tượng được đào tạo bài bản về tài chính cá nhân còn khá khiêm tốn. Một bộ phận lớn dân cư tại các tỉnh thành nhỏ và các khu vực hẻo lánh khó có thể tiếp cận được các khóa học về tài chính cơ bản để có những hiểu biết cần thiết về tài chính cá nhân và các dịch vụ tài chính cá nhân.
Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tài chính cá nhân, các cơ quan quản lý liên quan cần sớm ban hành các văn bản pháp luật về dịch vụ tư vấn tài chính để tạo môi trường pháp lý thống nhất, hoàn thiện, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia một cách hợp pháp.
Bên cạnh đó, nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi, miễn thuế cao đối với các quỹ hưu trí tự nguyện và các sản phẩm hưu trí, các sản phẩm dịch vụ tài chính cá nhân hữu ích…