Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Theo Y Du/ Báo Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định.

HTX Dịch vụ hoa kiểng Tân Dương, huyện Lai Vung luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hoa, kiểng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Nhật Khánh
HTX Dịch vụ hoa kiểng Tân Dương, huyện Lai Vung luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hoa, kiểng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Nhật Khánh

Hiện nay, Đồng Tháp có 178 HTX nông nghiệp đang hoạt động, chiếm 83,6% với trên 29.000 thành viên. Đến nay, có 30 HTX nông nghiệp được thành lập từ 31 mô hình Hội quán. Thời gian qua, các HTX nông nghiệp từng bước chủ động mở rộng thêm dịch vụ để phục vụ thành viên; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất. Đặc biệt là việc vận động thành viên tham gia liên kết với doanh nghiệp nhằm cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên và nông dân. HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả là nhân tố tích cực, tác động rất lớn đến quá trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, có 17 Quỹ Tín dụng nhân dân (được thành lập, tổ chức dưới hình thức HTX) đang hoạt động, chiếm 7,98% tổng số HTX đang hoạt động của toàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng ổn định và tăng trưởng tốt. Quy mô hoạt động tăng, tổng nguồn vốn đạt hơn 1.042 tỷ đồng (tăng 38 tỷ đồng, tương đương 3,79% so với thời điểm 31/12/2021), trong đó vốn huy động trên 900 tỷ đồng, chiếm 86,89% tổng nguồn vốn.

Thời gian qua, các Quỹ tín dụng nhân dân làm tốt công tác huy động vốn tại chỗ để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vốn cho thành viên phục vụ sản xuất kinh doanh, cải thiện, nâng cao đời sống. Qua đó, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo và hạn chế hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn nông thôn.

Lĩnh vực vận tải hiện có 14 HTX đang hoạt động, chiếm 6,6% tổng số HTX đang hoạt động của toàn tỉnh với 5.590 thành viên. Hoạt động của các HTX vận tải đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách cho người dân. Toàn tỉnh có 4 HTX tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ đang hoạt động, chiếm 1,88% tổng số HTX hiện có, với 253 thành viên tham gia. Hoạt động của các HTX này góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, khi tham gia vào tổ hợp tác, HTX, thành viên và người lao động được học tập để nâng cao kiến thức, tay nghề, hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, sản xuất tập trung theo quy mô lớn, khép kín. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, tạo sự đồng đều về kích thước, mẫu mã, đồng nhất về chất lượng sản phẩm... Đây còn là cơ sở để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành thương hiệu sản phẩm của HTX, nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị.

Bên cạnh đó, việc cùng nhau thực hiện các hoạt động mua chung, bán chung vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp việc tiêu thụ nông sản của thành viên sẽ đạt hiệu quả cao hơn, giá bán sẽ ổn định hơn so với làm ăn riêng lẻ. Mặt khác, giúp doanh nghiệp dễ dàng thu mua được khối lượng nông sản lớn, đồng đều về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng.

Thời gian qua, các HTX phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Qua đó, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm, các HTX trên địa bàn tỉnh thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định. Tuy nhiên, các HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: giá các loại vật tư nông nghiệp, chi phí thuê nhân công tăng cao; thị trường tiêu thụ bấp bênh, biến động giá nhiên liệu ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị...

Trên tinh thần phát triển kinh tế tập thể, HTX, trong 6 tháng cuối năm 2022, Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đồng thời hỗ trợ xây dựng website bán hàng miễn phí cho HTX, hội quán, hộ sản xuất nông nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu, kinh doanh các sản phẩm OCOP, đặc sản Đồng Tháp.

Từ các nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực hiện lồng ghép ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác để đầu tư cơ sở hạ tầng và chế biến sản phẩm, phục vụ phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho thành viên HTX, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương...