Tạo hành lang pháp lý cho phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2026
Nhằm khắc phục các vướng mắc phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tạo lập hành lang pháp lý cho phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2026, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 1/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 đã đạt những kết quả tích cực.
Nguyên tắc, tiêu chí, định mức đã phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; thực hiện các chủ trương của Đảng, chế độ, chính sách Nhà nước đã ban hành, phân bố chi thường xuyên ngân sách nhà nước cơ bản hợp lý để các Bộ, địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trên cơ sở đó, tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, địa phương ban hành hệ thống định mức chỉ thường xuyên của từng bộ, địa phương.
Tiêu chí, định mức cũng đã được quy định rõ ràng, dễ tính toán, công khai, minh bạch. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số đối với các địa phương đã khuyến khích sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong quá trình triển khai Nghị quyết và Quyết định nêu trên, bên cạnh những kết quả tích cực cũng có những điểm không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2026 – 2030. Định mức chi quản lý hành chính theo biên chế của các cơ quan trung ương không được điều chỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025, dẫn đến khó khăn cho các Bộ trong cân đối nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, một số chủ trương, chính sách lớn như: chính sách tiền lương, tiền thưởng; chính sách bảo trợ xã hội; cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công... đã được sửa đổi, bổ sung các năm qua. Do đó, định mức phân bổ chi ngân sách cần phải điều chỉnh tăng hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong thời kỳ ổn định ngân sách cũng phát sinh một số chế độ, chính sách mới do Trung ương ban hành nhưng yêu cầu địa phương đảm bảo một phần hoặc toàn bộ, dẫn đến khó khăn trong việc cân đối nguồn lực thực hiện nhiệm vụ.
Thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng và ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 và Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 để thay thế Nghị quyết và Quyết định nêu trên. Từ đó, làm căn cứ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2026, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2026 - 2030.
Do đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.
Cơ sở pháp lý cho xây dựng dự toán
Tại các dự thảo, bên cạnh các nội dung kế thừa từ các quy định hiện hành, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh một số nội dung đảm bảo phù hợp thực tiễn. Trong đó có định mức theo biên chế đối với khối bộ, cơ quan trung ương có cơ cấu tổ chức bộ máy theo ngành dọc, gồm cả các cơ quan, đơn vị trước đây được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù.
Theo Bộ Tài chính, đây là các cơ quan có tổng số biên chế lớn, nhưng khi chia theo từng trụ sở làm việc thì số biên chế trụ sở thấp hơn nhiều. Thực tiễn thời gian qua khi áp dụng chung định mức cho các cơ quan ngành dọc này cùng định mức với nhóm cơ quan không tổ chức theo ngành dọc là chưa phù hợp khi định mức thấp, khó cân đối cả kinh phi vận hành bộ máy, kinh phí chi trả cho lao động hợp đồng, lao động thừa hành nhiệm vụ phục vụ... Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị tách thành nhóm riêng.
Về các nhiệm vụ kết cấu trong định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số nội dung kinh phí lưu trữ thường xuyên hằng năm; kinh phí mua sắm thực hiện Luật bảo vệ bí mật nhà nước.
Về mức định mức, trên cơ sở tính toán tác động của các chính sách, chế độ, định mức chi ngân sách đã và đang được dự thảo, Bộ Tài chính dự kiến định mức chi thường xuyên lĩnh vực quản lý hành chính của ngân sách trung ương năm 2026 tăng bình quân khoảng 35% so với định mức năm 2022. Đối với khối các bộ, cơ quan ngành dọc, áp dụng mức định mức bằng khoảng 85% so định mức của khối các cơ quan Tư pháp, Kiểm toán và Thanh tra.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước tăng hằng năm theo khả năng của ngân sách nhà nước và thực tế thực hiện.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính đề xuất nâng định mức phân bổ theo tiêu chỉ dân số; sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí phân bổ của một số lĩnh vực chi cho phù hợp với thực tế. Trong đó, với lĩnh vực chỉ giáo dục, tiêu chỉ bổ sung quy định tỷ lệ chi khác (không bao gồm tiền lương và các khoản chi cho con người) đảm bảo tối thiểu 17% tổng chi giáo dục; riêng các địa phương có tỷ lệ dân số vùng đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn cao hơn mức bình quân chung cả nước là 18% (giảm 2% so với định mức năm 2022) do quy đổi tốc độ tăng tiền lương, chi hoạt động của năm 2025 so với năm 2022.
Đối với chi quản lý hành chính, tiêu chí bổ sung quy định tỷ lệ chi khác (không bao gồm tiền lương và các khoản chi cho con người) đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi hành chính (giảm 5% so với định mức năm 2022).
Liên quan đến dự phòng ngân sách địa phương, Bộ Tài chính đề xuất dự phòng của từng địa phương làm cơ sở tính định mức là 2% tổng chi cân đối ngân sách địa phương (không bao gồm bội chi ngân sách địa phương). Trên cơ sở dự toán chi cân đối ngân sách địa phương, căn cứ tinh hình thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí dự phòng ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (từ 2 - 4% tổng chi ngân sách).
Việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 là cơ sở pháp lý quan trọng để bộ, cơ quan trung ương xây dựng định mức phân bổ cho các đơn vị thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách địa phương và xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương, đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Qua đó, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, nâng cao tính minh bạch trong phân bổ, sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước.