Tạo kênh hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu
Cập nhật các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất – nhập khẩu của các nước trên thế giới; Giải đáp các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu, hàng hoá và các thị trường mục tiêu, yêu cầu chất lượng, nhãn mác, bao bì, tập quán, thói quen tiêu dùng; Cách thức vận chuyển thanh toán, bảo hiểm hàng hoá... đó là những nhóm nội dung chính của "Chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất – nhập khẩu".
Lễ khởi động của Chuỗi chương trình này vừa được Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 18/11, với sự tham gia của hơn 500 điểm cầu trong và ngoài nước. Chuỗi chương trình diễn ra từ ngày 19/11 và sẽ kéo dài trong hơn 1 tháng, gồm 20 phiên tư vấn với hình thức trực tiếp và trực tuyến, tập trung vào các thị trường xuất khẩu quan trọng và thị trường tiềm năng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với nhiều đơn vị, Bộ, ngành, các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài, địa phương nỗ lực đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin, tư vấn, thị trường... Theo đó, đã có hơn 1.000 hội nghị trực tiếp, trực tuyến với hàng triệu phiên giao thương trực tuyến nhằm hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, thông tin, mỗi năm, có hàng trăm ngàn lượt doanh nghiệp liên hệ yêu cầu tư vấn hỗ trợ cung cấp thông tin về nhu cầu xu hướng thị trường; các tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường; vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì, văn hoá tiêu dùng...
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã và đang tiếp tục gây nhiều sức ép lên đời sống xã hội, nhiều doanh nghiệp đối diện với khó khăn, thậm chí đình trệ hoặc giải thể do đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, nhiều địa phương bị tồn đọng hàng hoá, nhất là nông sản.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu, tìm kiếm thị trường, ông Vũ Bá Phú cho biết thêm, chuỗi chương trình sẽ tập trung vào 3 nhóm gồm cung cấp cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp những thông tin cập nhật về quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất - nhập khẩu của các nước trên thế giới.
Thứ hai là tư vấn, giải đáp các vấn đề mà địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm liên quan đến xuất nhập khẩu, hàng hoá và các thị trường mục tiêu cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh. Thứ ba là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, dây chuyền và công nghệ sản xuất tiên tiến để hàng hoá đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau ước đạt 861,5 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu 10 tháng ước đạt 796,1 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ.