Hệ thống Kho bạc Nhà nước:
Tạo nền tảng pháp lý vững chắc thực hiện cải cách quản lý ngân quỹ Nhà nước
Với sự ra đời của Nghị định số 24/2016/ NĐ-CP ngày 5/4/2016 quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc thực hiện cải cách quản lý ngân quỹ nhà nước.
Đây là cơ sở pháp lý cao cho việc thực hiện quản lý Quỹ Ngân sách Nhà nước (NSNN), Quỹ Dự trữ tài chính, tiền và tài sản nhà nước bằng đồng Việt Nam cũng như ngoại tệ. Theo đó, ngân quỹ nhà nước được quản lý dựa trên các nguyên tắc: Thực hiện quản lý ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống KBNN; tập trung nhanh mọi nguồn thu nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN; đảm bảo an toàn và có hiệu quả, gắn kết quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý NSNN và quản lý nợ công. Để thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước kể từ 01/01/2017, KBNN đã chủ động xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành 03 thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ.
Để thực hiện nhiệm vụ lập báo cáo tài chính nhà nước từ năm 2019 theo quy định của Luật Kế toán sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015, hệ thống KBNN khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy địnhvề báo cáo tài chính nhà nước trình Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, ban hành theo kế hoạch, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hệ thống KBNN. Bên cạnh đó, KBNN đã chủ trì, phối hợp với Vụ NSNN và các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi hệ thống mục lục ngân sách để đáp ứng yêu cầu của Luật NSNN năm 2015.
Đặc biệt, KBNN đã xây dựng Kế hoạch phát triển hệ thống KBNN giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển KBNN, KBNN sẽ trình Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch 5 năm để thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống.
Trong công tác quản lý Quỹ NSNN, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và của địa phương trong công tác tổ chức thu, trao đổi, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng thu NSNN ước đạt 1.094 nghìn tỷ đồng, bằng 107,8% so với dự toán năm 2016 được giao. Công tác phối hợp thu với các ngân hàng thương mại tiếp tục được đẩy mạnh trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo thuận lợi tối đacho người nộp thuế. Trong công tác kiểm soát chi ngân sách, KBNN đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành các Thông tư quy định việc kiểm soát thanh toán vốn NSNN theo hướng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý; tổ chức tập huấn trực tuyến trong toàn hệ thống nhằm phổ biến, quán triệt các cơ chế, chính sách mới ban hành và giải đáp những khó khăn, vướng mắc.
Thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, hệ thống KBNN đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đến hết năm 2016, hệ thống KBNN kiểm soát chi đầu tư ước đạt 253.607 tỷ đồng, đạt 75,7% kế hoạch vốn năm 2016 nhà nước giao.
Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán 136 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán chưa đúng chế độ quy định. Đối với kiểm soát chi thường xuyên, hệ thống KBNN kiểm soát đạt 753.307 tỷ đồng, bằng 90% dự toán chi thường xuyên năm 2016; thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ thanh toán khoảng 28.762 khoản chi chưa đủ thủ tục, số tiền thực từ chối thanh toán là 42 tỷ đồng.
Trong công tác điều hành ngân quỹ, KBNN đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo đảm bảo đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả cho các cấp ngân sách tại mọi thời điểm, nhất là tại những thời điểm ngân quỹ nhà nước căng thẳng do các khoản chi NSNN phát sinh nhiều, khối lượng TPCP đến hạn phải thanh toán khá lớn trong khi chưa tập trung kịp thời nguồn thu vào NSNN. Thực hiện Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2016, KBNN đã chủ động tham mưu, báo cáo với Lãnh đạo Bộ Tài chính nhiều giải pháp tích cực nhằm huy động tối đa nguồn vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, đảm bảo cơ cấu về kỳ hạn.
KBNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội giao, kết quả đã đạt được trên cả 5 tiêu chí về khối lượng huy động, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất trái phiếu, phương thức và sản phẩm phát hành, cơ cấu nhà đầu tư. Đến thời điểm 31/12/2016, KBNN đã huy động được 281.750,2 tỷ đồng, đạt 98,3% kế hoạch (286.600 tỷ đồng).
Kỳ hạn vay trung bình của trái phiếu năm 2016 tính đến 31/12/2016 là 8,77 năm (tăng 1,79 năm so với năm 2015), nâng kỳ hạn trung bình của cả danh mục TPCP trên thị trường từ 4,44 năm tại thời điểm 31/12/2015 lên 5,98 năm tại thời điểm 31/12/2016. Lãi suất phát hành bình quân trái phiếu năm 2016 là 6,49% năm, tăng 0,13% so với năm 2015 (6,36% năm) nhưng tỷ lệ kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 91%.
Đã chuyển đổi 6 mã trái phiếu có kỳ hạn còn lại từ 4 - 6 năm sang 3 mã trái phiếu mới có kỳ hạn từ 10-30 năm với tổng khối lượng trái phiếu hoán đổi là 2.765,4 tỷ đồng. Cơ cấu nhà đầu tư TPCP trên thị trường có những cải thiện đáng kể, giảm dần sự phụ thuộc vào khối các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, hệ thống KBNN thường xuyên quan tâm và chú trọng công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ các đơn vị giao dịch với Kho bạc và các chủ đầu tư. Trong năm, hệ thống KBNN đã triển khai một số đề án cải cách như:
Triển khai mô hình một cửa, một giao dịch viên; rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác kiểm soát chi đầu tư XDCB, kiểm soát chi vốn ngoài nước nhằm loại bỏ các hồ sơ, chứng từ không cần thiết; tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp thu với các cơ quan thu và các hệ thống ngân hàng thương mại. Qua đó, đã góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản và giảm thiểu thủ tục, rút ngắn thời gian giao dịch của khách hàng (như rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư XDCB, đảm bảo thời gian kiểm soát tối đa không quá 04 ngày làmviệc đối với các dự án đủ điều kiện giải ngân; thời gian thực hiện giao dịch nộp NSNN xuống còn khoảng 5 phút/giao dịch, so với trước đây là khoảng 30 phút/giao dịch).
Năm 2016 là năm đầu tiên hệ thống KBNN triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN tại các đơn vị sử dụng NSNN trên toàn quốc. Đây là nhiệm vụ mới được Chính phủ, Bộ Tài chính giao.
Toàn hệ thống KBNN đã triển khai thực hiện 271 cuộc thanh tra chuyên ngành, đã phát hiện xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhiều sai phạm; kiến nghị thu hồi nộp NSNN với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng; ban hành 32 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 41,8 triệu đồng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng.
Năm 2017, với phương châm hành động: “Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển KBNN; tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của hệ thống KBNN; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị sử dụng NSNN; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đổi mới và sáng tạo; hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao”, hệ thống KBNN cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tập trung nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020: Triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quản lý ngân quỹ nhà nước theo quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước, triển khai đồng bộ về xây dựng khung pháp lý và xây dựng hệ thống thông tin phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính nhà nước.
Chuẩn bị triển khai thí điểm Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi nhằm thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư khi giao dịch với KBNN. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp thu NSNN giữa các đơn vị trong ngành Tài chính với các ngân hàng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế.
Hai là, tổ chức điều hành quản lý Quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2017, đồng thời thực hiện điều tiết cho các cấp ngân sách chính xác, đúng quy định; triển khai mở rộng hình thức thanh toán qua thẻ chi tiêu công; triển khai mở rộng việc thu NSNN qua máy chấp nhận thẻ POS lắp đặt tại trụ sở KBNN nhằm giảm tỷ trọng thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN; tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại ngoài 04 ngân hàng thương mại nhà nước đã mở hiện nay.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước triển khai kiểm soát chi điện tử trên phạm vi toàn quốc theo lộ trình quy định tại Nghị quyết số 30a/NQ-CP của Chính phủ.
Ba là, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển: Chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 27/2016/QH13 ngày 11/11/2016 của Quốc hội, theo đó phát hành đa dạng các kỳ hạn TPCP, đảm bảo tỷ lệ kỳ hạn từ 5 năm trở lên tối thiểu 70% tổng khối lượng phát hành.
Phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2017 được Bộ Tài chính giao với tỷ lệ kỳ hạn từ 15 năm trở lên đạt khoảng 25% (tăng 5% so với năm 2016 và 10% so với năm 2015), kỳ hạn phát hành bình quân đạt mức 8,5 năm.
Bốn là, đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao cho KBNN quản lý. Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ; chấp hành nội quy cơ quan, quy chế quản lý nội bộ nhằm duy trì và giữ vững an ninh an toàn cơ quan, trật tự nội vụ của từng đơn vị KBNN. Thực hiện trang cấp đầy đủ, kịp thời các công cụ hỗ trợ, thiết bị kho quỹ và các phương tiện, thiết bị khác phục vụ công tác đảm bảo an toàn tiền, tài sản nhà nước.
Năm là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống KBNN: Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng chuyển dần từ hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý theo rủi ro; tiếp tục triển khai có hiệu quả các hình thức thu, nộp NSNN hiện đại qua KBNN (ATM, internet, POS) để tạo thuận lợi cho người nộp tiền; triển khai mở rộng việc sử dụng thẻ tín dụng trong chi tiêu NSNN; thực hiện tốt cơ chế “một cửa” trong giao dịch với khách hàng; đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN và trong khu vực công. Trong năm 2017, tiếp tục mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến KBNN theo đúng lộ trình của Chính phủ đã đề ra.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin trong hệ thống KBNN để triển khai thực hiện Luật NSNN năm 2015 và thực hiện thành công các chức năng, nhiệm vụ mới của KBNN; xây dựng và triển khai các ứng dụng cảnh báo rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ; các ứng dụng hỗ trợ công tác kiểm soát chi NSNN nhằm hạn chế rủi ro cho công chức KBNN khi thực hiện nhiệm vụ.