Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng ngày 25/5/2023, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung trình Quốc hội cho ý kiến. Thảo luận tại Tổ 10 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp) về đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị từ nay đến cuối năm 2023 Chính phủ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 10, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, nếu đơn thuần dựa vào số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê thì chỉ phản ánh được một phần thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế, do vậy, rất cần số liệu bổ sung để nhìn nhận sâu sắc, thực chất, đúng đắn hơn về thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế.
Ben cạnh đó, đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố, qua khảo sát về doanh nghiệp trong năm 2022 cho thấy, những con số đáng suy ngẫm, số doanh nghiệp báo lãi giảm so với năm 2021, doanh nghiệp báo lỗ tăng lên, mức độ lạc quan của doanh nghiệp không được cải thiện.
Đại biểu nhấn mạnh, tìm kiếm khách hàng và tiếp cận nguồn vốn là hai khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải; ngoài ra là những khó khăn về tuyển dụng nhân sự, thủ tục hành chính, biến động của chính sách, pháp luật, khó khăn về môi trường kinh doanh…
Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2023, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị Chính phủ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt cần sự quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, không nên ban hành thêm quy định nào làm gia tăng thêm chi phí hoặc rào cản cho sản xuất kinh doanh, nếu cần thiết ban hành quy định mới cần tính đến cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Cho ý kiến tại Tổ, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ quyết liệt, tập trung trong chỉ đạo, điều hành mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP là 6.5%, trong đó, chú trọng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Theo đại biểu, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là không có và khó tiếp cận nguồn vốn, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo giải ngân quyết liệt.
Bày tỏ lo ngại về mục tiêu tăng trưởng GDP 6.5% khó đạt được bởi tăng trưởng GDP quý I/2023 rất thấp; một số địa phương trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Quảng Nam tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế cả nước quý II/2023 khó có đột phá, do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng và các giải pháp tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, có thể cân nhắc chỉ tiêu tăng trưởng sát với tình hình thực tế.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu một số tồn tại đang kìm hãm tốc độ phát triển của Đất nước đó là tiến độ giải ngân những tháng đầu năm 2023 chậm hơn so với cùng kỳ, trong khi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tăng GDP khoảng 2%. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc thực hiện đăng kiểm thời gian qua gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.