Tỉnh Bạc Liêu:

Tập trung giải quyết khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Theo Huỳnh Chí /Báo Bạc Liêu

Giải ngân vốn xây dựng cơ bản trong điều kiện ứng phó với đại dịch COVID-19 là một trong số các giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công được xem là quan trọng hàng đầu và được chỉ đạo tập trung quyết liệt.

Thi công mở rộng tuyến đê biển Đông từ vốn đầu tư công. Ảnh: K.T
Thi công mở rộng tuyến đê biển Đông từ vốn đầu tư công. Ảnh: K.T

Giải ngân gặp khó

Tính đến tháng 7/2021, vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã giải ngân được 1.217.170 triệu đồng, đạt 36,55% kế hoạch.

Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân được 881.472/2.223.150 triệu đồng, đạt tỷ lệ 39,95% kế hoạch; nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đã giải ngân được 335.698/1.107.198 triệu đồng, đạt tỷ lệ 30,32% kế hoạch…

Điều đáng quan tâm là nguồn vốn chưa phân bổ chi tiết cho các dự án còn khá lớn, với hơn 514.950 triệu đồng. Nguyên nhân khách quan do đặc thù của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 triển khai khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa được thông qua. Nhiều dự án mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở để phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách nhà nước năm 2021.

Thêm vào đó, một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch mặc dù đến thời điểm hiện nay đã hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng vẫn không đủ điều kiện bố trí vốn do hoàn thiện thủ tục sau ngày 31/12/2020. Hiện nay, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng đã tham mưu với UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh phân bổ chi tiết đối với số vốn chưa phân bổ nguồn ngân sách địa phương thuộc kế hoạch năm.

Có thể nói, công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19 nên việc huy động nhân công hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công một số công trình, dự án. Giá cả vật liệu xây dựng tăng cao đột biến như: thép, cát, đá, xi-măng... đã làm cho các nhà thầu không triển khai thi công, hoặc thi công theo kiểu cầm chừng, thậm chí ngừng thi công nhằm trông chờ giá cả thị trường hạ xuống. Cũng như một số đơn vị, nhà thầu thi công thực hiện chưa đạt theo kế hoạch đề ra, do năng lực tài chính chưa đảm bảo nên việc triển khai thi công một số công trình, dự án còn chậm.

Thêm vào đó, một số dự án còn vướng giải phóng mặt bằng mà nguyên nhân chính là do người dân không đồng thuận với phương án giải phóng mặt bằng và yêu cầu nâng giá bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư…

Đẩy mạnh giải ngân vốn

Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay và đảm bảo giải ngân vốn đầu công đạt kế hoạch đề ra, từ nay đến cuối năm, đối với tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2021.

Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Đặc biệt là tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 63 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Các chủ đầu tư phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo của tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh và Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án cần giải quyết, xử lý những vướng mắc, khó khăn (kể cả trong công tác giải phóng mặt bằng).

Cùng với đó là tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư cần kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời đối với các nhà thầu vi phạm chất lượng công trình, chậm tiến độ và vi phạm hợp đồng theo quy định tại khoản 11, Điều 117, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Tiếp tục rà soát tiến độ giải ngân đối với từng dự án, điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân cao; phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đề ra đến cuối năm 2021 trên 95% theo tinh thần Nghị quyết 63 của Chính phủ.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, ngoài việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải ngân các nguồn vốn do huyện quyết định đầu tư và quản lý chi, cũng cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các dự án do tỉnh quyết định đầu tư và quản lý chi.

Đồng thời, tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là trong việc phối hợp xử lý đối với các dự án bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng, nhằm đảm bảo dự án được thực hiện theo đúng tiến độ được duyệt.