Đại biểu Quốc hội tán thành nhiều nội dung sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước
(Tài chính) Trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) (sửa đổi) chiều ngày 29/10, nhiều đại biểu tán thành với những nội dung sửa đổi trong dự án Luật NSNN và cho rằng, dự án Luật lần này được chuẩn bị chu đáo, bám sát thực tế.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh nhiều quy định mới thì vẫn còn một số quy định mang tính chung chung cần được cụ thể hơn, như các quy định về nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách...
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng, dự thảo Luật NSNN đã sửa đổi căn bản toàn diện nhưng vẫn kế thừa luật hiện hành. Nhưng nếu sửa đổi quá nhiều trong bối cảnh tài chính quốc gia chưa theo kịp, có thể không cần thiết.
Dự thảo quy định rõ hơn về lệ phí trong phần thu và hướng xác định xử lý; quy định bội chi NSNN là bội chi ngân sách trung ương, được xác định bằng chênh lệch giữa tổng chi ngân sách trung ương và tổng thu ngân sách trung ương; chi ngân sách trung ương chỉ bao gồm chi trả nợ lãi; đối với chi trả nợ gốc được bù trừ từ các khoản vay mới và thể hiện chênh lệch vào phần bù đắp bội chi. Dự thảo cũng quy định về điều chỉnh nguồn thu trong trường hợp thu ngân sách có biến động tăng đột biến trong thời kỳ ổn định ngân sách...
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật NSNN hiện hành được ban hành đã 10 năm. Vai trò của NSNN cũng được khẳng định góp phần điều tiết vĩ mô và đặc biệt trong 2 năm gần đây, khi các đại biểu Quốc hội phản ánh việc cần thanh tra giám sát và yêu cầu phải công khai minh bạch thì chi NSNN đã giảm so với 2-3 năm trước. Trước đây tốc độ tăng chi ngân sách lên đến 20% nhưng những năm gần đây chỉ khoảng 8-10%.
"Đó là những điểm ghi nhận được từ Luật NSNN hiện hành. Tuy nhiên, Luật còn một số khiếm khuyết, đó là phạm vi ngân sách chưa rõ ràng, việc quản lý phí, lệ phí chưa thống nhất giữa các địa phương, phân cấp giữa trung ương và địa phương chưa phù hợp; chưa mang được tính động viên của các địa phương. Về quan điểm sửa đổi lần này, tôi thống nhất với nhiều ý kiến là chúng ta phải gắn chặt với tinh thần của Hiến pháp, tức là các khoản thu chi NSNN phải được dự toán theo luật định và NSNN phải được quản lý thống nhất", đại biểu Ngân nhấn mạnh.
Ngoài nội dung này, nhiều đại biểu cũng bày tỏ ý kiến đồng tình với việc đưa vốn trái phiếu chính phủ vào cân đối ngân sách nhà nước. Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) lý giải, vốn trái phiếu chính phủ thực chất cũng là vốn vay phải trả lãi, như vậy cũng được tính toán là nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí đưa khoản thu từ hoạt động xổ số kiến thiết vào cân đối NSNN và bổ sung quy định nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và tiền sử dụng đất không sử dụng để tính tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tính số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên theo đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), so với Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, các quy định của dự thảo Luật lần này có một số quy định mới, nhưng vẫn còn nhiều quy định mang tính chung chung cần được cụ thể hơn, như các quy định về nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách; về công tác quyết toán ngân sách nhà nước...
Tại Điều 53 về ứng trước dự toán ngân sách năm sau, dự thảo quy định, ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện được ứng trước dự toán ngân sách năm sau cho các cơ quan, đơn vị thuộc ngân sách cấp mình và ngân sách cấp dưới trong trường hợp bảo đảm cân đối được quỹ ngân sách cấp mình, trong phạm vi kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm và bảo đảm thu hồi được trong năm sau.
Nhiều ý kiến thể hiện đồng tình với qui định này, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng cần bỏ qui định này để bảo đảm phản ánh đúng các khoản thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước thực tế phát sinh trong năm, cũng như nhằm tránh tạo kẽ hở cho cơ chế xin cho kèm theo là tiêu cực.