Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên - Huế:

Tập trung quản lý, điều hành hiệu quả ngân quỹ nhà nước

Khánh Chi

Năm 2022, KBNN Thừa Thiên - Huế đã thực hiện thu ngân sách là 12.178 tỷ đồng, đạt 177% so với dự toán; thực hiện kiểm soát chi đạt 15.653 tỷ đồng, đạt 86% so với dự toán. Phát huy kết quả này, KBNN Thừa Thiên - Huế đã, đang triển khai 8 giải pháp trọng tâm trong quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước năm 2023.

Lễ ký kết thỏa thuận phối hợp thu - ủy nhiệm chi tiền mặt giữa Kho bạc Nhà nước, Cục thuế, Cục Hải quan và Vietcombank Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lễ ký kết thỏa thuận phối hợp thu - ủy nhiệm chi tiền mặt giữa Kho bạc Nhà nước, Cục thuế, Cục Hải quan và Vietcombank Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Năm 2022, KBNN Thừa Thiên - Huế đã thực hiện tập trung các nguồn thu đầy đủ kịp thời, phân chia tỷ lệ được hưởng cho các cấp ngân sách theo đúng chế độ Nhà nước quy định; thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống các ngân hàng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị giao dịch tại Kho bạc nhanh chóng, an toàn.

KBNN Thừa Thiên - Huế chỉ đạo chuyên môn phối hợp với các ban, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách, quản lý chặt chẽ quỹ NSNN, điều tiết chính xác cho các cấp ngân sách. Thực hiện tốt công tác báo cáo nhanh khối NSNN Tỉnh, NSNN thành phố Huế và các huyện kịp thời cho các cấp lãnh đạo. 

Song song với nhiệm vụ trên, đơn vị đã thực hiện quản lý, kiểm soát thanh toán chi NSNN chặt chẽ, an toàn, hiệu quả; tập trung giải ngân Kế hoạch vốn dự toán NSNN năm 2021 kéo dài, kế hoạch vốn năm 2022, quán triệt công chức làm công tác kiểm soát chi tuân thủ đúng quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ chặt chẽ, chính xác, kịp thời cho đơn vị sử dụng ngân sách, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND Tỉnh.

Nhờ đó, năm 2022, đơn vị đã thực hiện thu ngân sách là 12.178 tỷ đồng, đạt 177% so với dự toán, tăng 112% so với cùng kỳ năm 2021; thực hiện kiểm soát chi đạt 15.653 tỷ đồng, đạt 86% so với dự toán, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2021. Phát huy kết quả tích cực trên, năm 2023, KBNN Thừa Thiên - Huế đã, đang chú trọng triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, duy trì và thực hiện phối hợp thu các khoản thu NSNN qua hệ thống các ngân hàng thương mại đã ký thoả thuận phối hợp thu; tiếp tục triển khai mở rộng công tác phối hợp thu với các ngân hàng thương mại cổ phần đảm bảo điều kiện thu trên địa bàn toàn Tỉnh.

Hai là, phối hợp với cơ quan Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan tăng cường công tác quản lý thu NSNN năm 2023,  kịp thời điều tiết thu ngân sách đúng quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thu NSNN.

Ba là, kiểm soát chi NSNN gắn với thực hiện có hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng chống tham nhũng. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư XDCB từ NSNN. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thu, chi NSNN; Tổ chức thực hiện tốt công tác tổng hợp, báo cáo cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành NSNN của các cấp.

Bốn là, về chi NSNN, chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao đối với các khoản chi của NSNN.

Năm là, tổ chức thực hiện tốt công tác kế toán, NSNN và hoạt động nghiệp vụ tại từng đơn vị KBNN theo đúng quy định, chấp hành nghiêm các quy trình nghiệp vụ trong hạch toán kế toán, thanh toán, làm tốt công tác tổng hợp báo cáo, cung cấp thông tin số liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành NSNN của các cấp tại địa phương.

Sáu là, thường xuyên tra soát xử lý số dư tài khoản trung gian trong thu chi của các đơn vị. Rà soát, kiểm tra số liệu thu, chi NSNN đảm bảo chính xác chuẩn bị cho việc hạch toán quyết toán NSNN niên độ 2022 trên hệ thống.

Bảy là, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý tài khoản tiền gửi của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại; tăng cường các biện pháp kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các hoạt động nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, giảm thiểu rủi ro, sai sót, mất an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao.

Tám là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy; duy trì và vận hành thông suốt các ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị giao dịch; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN; Triển khai ứng dụng cảnh báo rủi ro để góp phần phòng ngừa, hạn chế rủi ro, thất thoát đối với các đơn vị sử dụng NSNN.