Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ xuất nhập khẩu trong dịch bệnh
Trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, các cấp, ngành tại Bình Dương tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp doanh nghiệp (DN) yên tâm phòng, chống dịch bệnh cùng với việc duy trì sản xuất, kinh doanh. Khơi thông xuất khẩu, hỗ trợ thông tin thị trường và kịp thời phản ánh những vướng mắc đến các bộ ngành.
Duy trì chuỗi sản xuất hàng hóa
Theo ông Nguyễn Phú Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), trong dịch bệnh các DN được phép hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” đã và đang rất nỗ lực để duy trì sản xuất cùng với các phương án phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Nhiều DN đã chủ động triển khai chặt chẽ, hiệu quả, tổ chức tốt từ khâu hậu cần như bố trí chỗ ăn, chỗ ngủ và ca làm việc để bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Tuy nhiên, điều mà DN cần lúc này là được các ngành hỗ trợ để khơi thông hàng hóa sản xuất, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo ông An Kyu Kang - Giám đốc Công ty Kolon Việt Nam, hiện nhà máy có khoảng 2.400 công nhân, để duy trì sản xuất hiệu quả, DN phải nỗ lực lớn. Các DN rất cần tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, nhất là trên các tuyến giao thông và các thủ tục hải quan, bốc dở tại các cảng. Hiện nay, hàng hóa, nguyên liệu nhập vào được các ngành tạo điều kiện rất thuận lợi nhưng các quy trình xuất hàng đi đang chậm lại, nhất là khâu vận chuyển, bốc dở.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cùng những biến cố trong ngành hàng hải, đã và đang tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng loạt vấn đề như biến động giá cước vận chuyển, thiếu hụt container rỗng, gián đoạn chuỗi cung ứng tạm thời, đã tạo nên “rào cản” cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics tại Việt Nam nói riêng. Hiện nay, tình trạng thiếu rỗng, thiếu chỗ trên tàu, giá cước tăng cao, kẹt cảng, số lượng tàu chờ, tàu trễ lịch đều xuất hiện ở các cảng lớn trên thế giới. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động các cảng, ICD khu vực phía Nam, dẫn đến tồn hàng tại các cảng.
Trong khi đó, lượng hàng hóa tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ, châu Âu các ngành hàng chính như gỗ, may mặc, da giày, điện tử… tiếp tục tăng cao. Trong thời gian tới, phía Tân Cảng đưa ra các giải pháp, tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng lực thông qua tại các cảng và các ICD trong hệ thống.
Phát triển dịch vụ tiếp nhận, lưu giữ, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cơ sở ICD Long Bình, ICD Nhơn Trạch. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực vận tải hàng hóa giữa các cảng, chuyển khẩu bằng đường thủy, đường bộ kết nối các cảng, ICD trong toàn bộ hệ thống. Có kế hoạch phát triển dài hạn các công trình cảng và ICD mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tương lai…
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Bình Dương tiếp tục kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt cần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, duy trì chuỗi sản xuất hàng hóa.
Hiện nay, các ngành đã thành lập những tổ hướng dẫn DN, khu công nghiệp trong công tác phòng dịch, duy trì sản xuất, xuất khẩu. Nhiều đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh, địa phương trực tiếp kiểm tra DN để đối thoại và nắm rõ những khó khăn, kịp thời giải quyết.
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngành công thương đang kết hợp với các ngành chức năng thành lập tổ hỗ trợ DN xuất nhập khẩu. Trước mắt, ngành công thương sẽ kịp thời nắm bắt khó khăn cấp bách của DN trong khâu xuất nhập khẩu hàng hóa để kiến nghị với UBND tỉnh, Bộ Công thương.
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Cục Hải quan Bình Dương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn dịch bệnh, nhưng vẫn bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho DN thông quan hàng hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm công tác giám sát, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần đẩy lùi và hạn chế tối đa khả năng lây lan của dịch bệnh...
Bên cạnh đó, các chi cục cũng đã kiện toàn Tổ hỗ trợ DN và Tổ xử lý Covid-19 nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ kịp thời ghi nhận vướng mắc của DN không để ách tắc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến vô cùng phức tạp nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn ổn định. Trong đó, các DN thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống hải quan tự động.